Ùn tắc gia tăng mạnh
Càng cận ngày Tết Nguyên đán, lượng người và phương tiện tham gia giao thông càng gia tăng mạnh do nhu cầu đi lại lớn, gây áp lực trực tiếp lên hầu hết các tuyến phố nội đô, kể cả đường vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố. Lưu thông những ngày này, ùn tắc có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ tuyến đường nào. Thậm chí, nhiều tuyến đường như Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng, Pháp Vân - Giải Phóng, Âu Cơ - Yên Phụ... xảy ra ùn tắc ngay từ sáng sớm, bởi lượng xe lưu thông quá lớn, chỉ cần chờ một nhịp tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ là có thể gây ùn tắc cả đoạn đường kéo dài.
Theo rà soát của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, số điểm ùn tắc giao thông ở thành phố đã giảm xuống chỉ còn 35 điểm, so với 44 điểm trong năm 2015 và so với 65 điểm năm 2014, trong đó có nhiều điểm nóng như: Cầu Giấy, Lạc Long Quân - Thụy Khuê; cầu vượt nút giao quận Long Biên; nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh... Tuy nhiên, giải quyết được điểm ùn tắc này, điểm khác lại chờ phát sinh.
Nút giao thông Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn - Đào Duy Anh ngày nào cũng ùn tắc nghiêm trọng. |
Giáp Tết Nguyên đán, nhiều điểm ùn tắc, nếu không sớm có những giải pháp giải tỏa rất dễ trở thành “điểm nóng”. Đơn cử như các điểm ùn tắc tại cầu Tó, Thanh Trì, QL1 đi quận Hà Đông, cầu Đôi thuộc phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Âu Cơ - Yên Phụ, Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt... Nguyên nhân chủ yếu do lượng dân cư từ các nhà cao tầng và phương tiện tăng đột biến, trong khi hạ tầng giao thông không phát triển kịp, cộng thêm nhu cầu đi lại cuối năm phức tạp...
Theo các chiến sỹ CSGT chốt trực phân luồng giao thông trên đường, gần đến Tết, mặc dù lực lượng CSGT đã huy động tối đa quân số, “căng sức” giải tỏa giao thông, nhưng ùn tắc khó tránh khỏi. Nhiều thời điểm, người dân đi mua sắm đông, lượng phương tiện tăng cao đến 200% so với bình thường. Thậm chí có những tuyến phố trước đây ít xảy ra ùn tắc như: Đường Kim Liên Mới, Xã Đàn, Hoàng Cầu, Kim Mã, Trần Phú... hiện đều rơi vào tình trạng đông nghẹt từ 16 giờ hàng ngày.
Tại các tuyến đường Trường Chinh, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Hoàng Hoa Thám... Phòng CSGT Hà Nội đã tăng cường 15 tổ công tác 141 để phối hợp với CSGT đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Nhưng do ý thức của không ít người tham gia giao thông hạn chế, mạnh ai nấy đi, tìm mọi cách luồn lách để đi lên trước, nên tình trạng ùn ứ dẫn đến ùn tắc liên tục tiếp diễn.
Tăng cường tổ chức lại giao thông
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho biết: Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng là do hạ tầng giao thông đường bộ quá tải và ý thức của người tham gia giao thông kém. Vì thế, Sở đã tập trung nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Ùn tắc kéo dài trên đường Giải Phóng. |
Đơn cử như tại các nút giao Lê Duẩn - Hai Bà Trưng đã được bổ sung pha đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông, nút Ngã Tư Sở được khôi phục đèn tín hiệu giao thông gầm cầu Ngã Tư Sở, nút Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng được tổ chức giao thông cặp ô tô một chiều... cũng phần nào giải quyết được nguy cơ ùn tắc giao thông từ xa trên các tuyến đường, nhất là vào giờ cao điểm. Việc sớm sửa chữa hầm chui Trung Hòa, đưa vào vận hành sớm cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, hoàn thành đưa vào sử dụng đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), thông xe kỹ thuật 4 công trình (đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy; cầu Zét; cầu Ba Thá, cầu Ngọc Hồi)... cũng đã góp phần giảm được xung đột giao thông... Hiện nay, Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung mở thông các nút giao thông chính trên địa bàn thành phố, phân luồng lại các nút trọng điểm, điều chỉnh luồng tuyến xe khách liên tỉnh, tránh tình trạng xe khách chạy xuyên tâm, gây thêm áp lực cho giao thông.
Theo dự kiến của Sở GTVT Hà Nội, lượng khách tại các bến xe sẽ tăng đột biến, cao nhất khoảng 60% vào các chiều 24, 25, 26/1/2017 (tức ngày 27, 28, 29/12 Âm lịch). Để đáp ứng, các đơn vị vận tải sẽ phải tăng cường 2.600 xe. Trong đó, riêng Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã có kế hoạch tăng cường hơn 2.000 lượt xe cho các bến. Bên cạnh đó, còn hàng nghìn xe taxi, xe buýt tăng cường sẽ tạo ra sức ép giao thông rất lớn trên các tuyến đường Thủ đô những ngày cận Tết.
Vì vậy, Sở đã xây dựng 6 nhóm giải pháp triển khai ngay, trong đó tập trung cùng với Công an thành phố rà soát các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông để phân loại, xử lý; thay thế các biển báo bất cập bằng biển báo dễ nhìn, thuận tiện hơn; điều chỉnh lại nhịp chờ đèn giao thông phù hợp lưu lượng giao thông từng tuyến phố; tăng cường kết nối đảm bảo vận chuyển hành khách liên tỉnh với xe buýt công cộng; xử lý nghiêm vi phạm giao thông; kiểm tra, yêu cầu các nhà thầu công trình giao thông tổ chức thi công nghiêm túc, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến giao thông.
Đối với công tác đảm bảo an toàn tại các bến xe, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải nhắc nhở các lái xe nghiêm túc thực hiện quy định an toàn giao thông, giao Thanh tra Sở lập phương án dự báo các điểm đen, điểm ùn tắc trong dịp Tết để có kế hoạch giải tỏa khi sự cố ùn tắc xảy ra; đồng thời phối hợp với CSGT chỉ dẫn phân luồng, phân làn giao thông tập trung tại khu vực xung quanh các bến xe, đường vành đai dẫn vào bến xe.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng phương tiện cá nhân “chóng mặt”, trong khi hạ tầng đô thị chưa hoàn thiện như hiện nay, cộng với chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng còn chưa cao, số lượng điểm ùn tắc nghiêm trọng mặc dù có xu hướng giảm đi, nhưng lại đang phát sinh nhiều điểm ùn tắc cục bộ khác và tình hình ùn tắc giao thông vẫn phức tạp là những thách thức lớn. Trước thực tế này, Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn để phòng chống ùn tắc bền vững như: Quản lý tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, tiến tới hạn chế và ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong giao thông đô thị...
Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội Nguyễn Văn Tòng:Cần nhiều giải pháp dài hơi, đồng bộ Trong ngắn hạn, Bộ GTVT và TP Hà Nội cần đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình giao thông nội đô như: Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông... để nhanh chóng tháo dỡ rào chắn, trả lại mặt đường cho giao thông; tổ chức giao thông khoa học, xây dựng cầu vượt, hầm chui. Với những tuyến đường nhỏ hẹp, không bố trí điểm đỗ và trông giữ xe; nghiên cứu phần mềm ứng dụng có thể cảnh báo người lái xe những điểm đang bị ùn tắc để tìm đường khác... Còn về lâu dài, để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội bền vững cần nhiều giải pháp dài hơi, đồng bộ. Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh: Thu phí từ ngoài vành đai để hạn chế xe vào nội đô Luật Thủ đô đã cho phép Hà Nội nhiều đặc quyền, ngoại lệ để phát triển. Để hạn chế ùn tắc, việc thu phí xe từ ngoài vành đai vào nội đô hiện nay đang được một số nước trên thế giới áp dụng. Thu phí ở đây phải hiểu là thu phí khi người dân sử dụng không gian công cộng, hạ tầng đô thị, khi người dân sử dụng nghĩa là đã chiếm dụng không gian này và gây ùn tắc giao thông. Vì vậy, nhà nước thu phí để dùng nguồn lực này tái đầu tư cho dịch vụ vận tải công cộng khác, như không gian đi bộ, giao thông phi cơ giới, vận tải công cộng. Đây có thể coi như một công cụ kinh tế để tác động vào hành vi của người dân, thay đổi lựa chọn của người dân, tránh để người dân đổ về đô thị, đỗ xe gây ùn tắc giao thông. Thay vì miễn phí như hiện nay, người dân sẽ phải trả phí khi vào nội đô. Tuy nhiên, quy định thu phí này hiện chưa được quy định trong luật, mà mới chỉ có Pháp lệnh về phí và lệ phí cho phép thu phí trông giữ xe. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Xử lý kiên quyết tình trạng xe dù, bến cóc Tình trạng nhiều xe chạy chậm dừng đỗ, đón trả khách gây ùn tắc xảy ra như cơm bữa mà không bị xử lý. Nếu tình trạng này không được xử lý kiên quyết, thì trong dịp Tết, lượng người dân đi lại nhiều sẽ gây ùn tắc nghiêm trọng. Do đó, các cơ quan liên quan cần có kế hoạch triển khai và phân công nhiệm vụ các thành viên ban An toàn giao thông thành phố, tăng cường kiểm tra bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kết hợp với phòng chống gian lận thương mại. Trong đó, thành lập một tổ (gồm thanh tra Bộ và Sở Giao thông Vận tải) kiên quyết kiểm tra, xử lý nạn “xe dù, bến cóc”. |