Từ khoảng 1 tuần nay, tại Hà Nội, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng và phá các kỷ lục ca bệnh trước đó. Riêng từ ngày 6 - 12/12 toàn thành phố đã phát sinh thêm 4.550 ca. Đáng chú ý, ngày 12/12 lên tới gần 900 ca, ngày 13/12 tiếp tục ghi nhận 1.000 ca bệnh, cao nhất cả nước. Hiện, thành phố vẫn còn 37 điểm phong tỏa và 9 chùm ca bệnh. Ngành Y tế Hà Nội từng đưa ra thông điệp tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát nhưng qua số liệu trên cho thấy, thành phố cũng cần gia cố thêm cho “bờ đê” phòng, chống dịch, thay đổi chiến thuật để giữ vững an toàn cho Thủ đô.
Tuyến đầu cần tiếp sức
Từ nhiều ngày nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích - nữ điều dưỡng Trạm Y tế phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng) đang phải làm việc hơn 10 giờ một ngày nhưng cũng chưa hoàn thành hết được công việc. Từ truy vết, lấy mẫu đến hướng dẫn tiêm phòng, quản lý ca F1 cách ly tại nhà đều là những công việc mà những nhân viên y tế cơ sở phải thực hiện. Công việc thì nhiều, nhưng cả Trạm Y tế phường chỉ có 8 cán bộ nhân viên. Riêng từ ngày 10/12 đến nay, số ca F0 của phường tăng nhanh, bình quân mỗi ngày có 5-7 ca, khiến cho công việc của y tế phường thêm bận rộn.
Ngay từ sáng sớm 14/12, điều dưỡng Bích cùng các lực lượng chức năng phải đảm nhiệm việc hướng dẫn, đo thân nhiệt, khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 20 người nghi nhiễm trên địa bàn phường. Cuốn vào công việc, gần 11 giờ trưa chị mới biết rằng mình đã quên ăn sáng. “Từ khi số F0 trên địa bàn tăng, các nhân viên y tế phường vất vả hơn 3 - 4 lần so với trước. Đã 1 tuần rồi tôi và các đồng nghiệp phải ăn, ở tại cơ quan để chiến đấu với COVID-19”, chị Bích nói.
Hiện quận Đống Đa đang “nóng” nhất thành phố với trên 2.000 ca COVID-19 và tiếp tục có dấu hiệu tăng, dịch tễ phức tạp. Tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế quận Đống Đa cũng như ở các phường đều “vận hành hết công suất” nhằm bắt kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh. Có điều tưởng chừng đơn giản với người bình thường nhưng với đội ngũ y bác sĩ cơ sở hiện nay lại đang là mơ ước.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa giãi bày: “Mong được 1 ngày không điện thoại, tin nhắn, không có người gọi, được về trước 10 giờ đêm, không phải ăn cơm trưa vào buổi chiều, ăn cơm chiều vào buổi tối. Nhiều người đã phải làm việc cật lực trong chuỗi ngày dài liên tục phòng, chống dịch COVID-19".
Trò chuyện với phóng viên nhưng điện thoại của vị bác sĩ phường reo liên tục. Một cuộc gọi vừa dứt, chuông điện thoại của bác sĩ lại vang lên. Bác sĩ Hà nói thêm, nhiều người không chịu nổi bởi áp lực công việc, bởi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân “khủng bố tinh thần”, dọa nạt khi không được đưa đi điều trị ngay, hay họ muốn điều trị tại nhà nhưng lại đưa đến cơ sở y tế. “Anh chị em Trạm Y tế xác định làm việc vì cộng đồng, nhưng cũng cần sự quan tâm, động viên vì các nhân viên y tế cũng chịu áp lực công việc lớn, đã rất mệt mỏi do dịch bệnh kéo dài”.
Theo bác sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, khó khăn nhất của nhân viên y tế cơ sở hiện nay là công việc quá nhiều trong khi nhân lực “mỏng”, đảm đương đủ loại công việc. Nhiều việc “chồng” lên nhau, có người đang tiêm chủng nhưng lại phải rút đi điều tra truy vết, làm báo cáo, có lúc phải làm đến tận đêm. Trong khi đó, các lực lượng hỗ trợ khác giảm nhiều so với trước.
Bác sĩ Thành nhìn nhận, khi số ca tăng nhanh từ tháng 10, nhiều trường hợp nhân viên y tế rơi vào thế bị động, lúng túng vì phải làm lượng lớn thủ tục hồ sơ, chưa kịp xác minh nhiều trường hợp. Từ khi có dịch đến nay, có một số nhân viên y tế của quận Đống Đa xin nghỉ việc. “Để động viên những người trên tuyến đầu chống dịch, cần có thêm chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, cải tiến thủ tục thanh toán, đỡ mất thời gian”, bác sĩ Thành đề xuất.
Cũng kiến nghị về sự quan tâm của Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Dũng Tổ trưởng Tổ dân phố số 21 phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) cho rằng "cấp trên cần có nguồn hỗ trợ cho từng thành viên Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, nếu không nhiều cũng là cái thẻ điện thoại để liên lạc với các các trường hợp nghi nhiễm khi cần".
Hạn chế ca tử vong do COVID-19
Thành phố Hà Nội khẳng định, hệ thống y tế cơ sở vừa qua thể hiện là nòng cốt trong phòng, chống dịch. Đây là lực lượng tuyến đầu đã nỗ lực suốt 2 năm qua "chiến đấu" với dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch như hiện nay, vai trò của y tế cơ sở lại được thành phố đặc biệt quan tâm khi lực lượng này “gánh” thêm trọng trách quản lý, chăm sóc, hỗ trợ các F0, F1 điều trị tại nhà.
Theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, nhân lực trạm y tế rất ít, chỉ có từ 5 – 10 người, trong khi đó lượng ca mắc tại các địa phương tăng cao trong những ngày qua đang gây áp lực cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
Để kịp thời động viên lực lượng y tế cơ sở, Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI vừa qua đã đề ra năm nhóm chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới, trong đó có đầu tư 1.000 tỷ đồng cho y tế cơ sở.
Theo đó, thành phố sẽ có chính sách thu hút, đãi ngộ cho hệ thống nhân lực y tế cơ sở, tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến này; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu sức khỏe người dân theo mô hình y học gia đình, khám chữa bệnh từ xa; chủ động đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho ngành y tế, hệ thống y tế nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
Đề cập đến nội dung số ca F0 tăng nhanh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thời tiết thay đổi cũng là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Cùng với đó, người đến Hà Nội nhiều vào dịp cuối năm cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, một số người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng có thái độ lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.
Trước phản ánh về việc lực lượng y tế chậm tiếp nhận thông tin từ người dân về các ca nghi nhiễm, dẫn đến tình trạng tự ý đi xét nghiệm và tự đến bệnh viện gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bà Hà khuyến nghị, người dân cần bình tĩnh để xử trí các tình huống được tốt hơn. Theo bà Hà, với những người đã tiêm đủ vaccine sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng không có triệu chứng, cần thông báo cho lực lượng y tế để được hướng dẫn cách ly tại nhà hoặc tại địa bàn. Tại nơi cách ly, nhân viên y tế sẽ tiếp cận với người bệnh để cấp phát thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Còn với những bệnh nhân nặng, Sở Y tế Hà Nội đã phân tầng điều trị lên tuyến huyện hoặc tuyến cao hơn.
Đề cập đến giải pháp hạn chế ca tử vong do mắc SARS-CoV-2, bà Trần Thị Nhị Hà thông tin, ngoài các bệnh viện của thành phố và Trung ương, Hà Nội đã chuẩn bị 22.000 giường bệnh ở tuyến thành phố; 70.000 giường bệnh ở quận, huyện thị xã nhằm thu dung các bệnh nhân; 8.000 giường giành cho bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong đó, Hà Nội đã chuẩn bị 2.000 giường hồi sức cấp cứu, số giường này đã được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc như: máy thở, lọc máu… để phục vụ cho bệnh nhân nặng và nguy kịch.
“Các bệnh viện của thành phố đều sẽ tham gia điều trị COVID-19. Hiện, các bệnh viện đã sẵn sàng hệ thống oxy để hỗ trợ và điều trị cho bệnh nhân. Trước diễn biến dịch phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng cao, ngành y tế mong muốn người dân sống trên địa bàn Hà Nội, cần tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ, tuân thủ các quy định 5K phòng, chống dịch", bà Hà mong muốn.
Còn theo một số chuyên gia y tế, nhiều người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh và có thể lây bệnh cho người khác, nhất là đối với những người cao tuổi. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới hiện nay rất khó đoán định, do đó bên cạnh các “kịch bản” của chính quyền thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch.
Tại Việt Nam hiện nay, có 80 - 90% số người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc là triệu chứng nhẹ. Con số thống kê bước đầu tại nước ta cho thấy, có 2% số người mắc COVID -19 có nguy cơ tử vong. Do tính chất nguy hiểm như vậy nên trong lúc này, mỗi người dân Thủ đô cần tự nâng cao ý thức bảo vệ mình và xã hội.