Cụ thể: Nguồn vốn ngân sách thành phố là gần 7.200 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện gần 6.100 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 400 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách gần 1.180 tỷ đồng (riêng người dân đóng góp gần 600 tỷ đồng).
Tính đến tháng 6 năm 2017, toàn thành phố Hà Nội có 2 huyện và 255 trong số 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Thanh Trì và Hoài Đức đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 131 xã còn lại, có 88 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 42 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chỉ còn xã Ba Vì (huyện Ba Vì) đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra việc xây dựng nông thôn mới tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN
|
Hiện toàn thành phố còn hơn 44.400 hộ nghèo; trong đó khu vực nông thôn có gần 40.500 hộ nghèo. Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là Đông Anh (1,24%), Gia Lâm (1,46%), Đan Phượng (2,42%), Thanh Trì (2,54%)...
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, đến nay 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, 95% đường liên thôn được bê tông hóa, 91% đường ngõ xóm và 50% đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa. Cùng với đó 100% các hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện.
Tính đến nay, thành phố có 319 trong số 6 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về trường học, 345 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, 351 đạt và cơ bản đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, 100% số xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về nhà ở dân cư.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước là chính, việc thu hút từ xã hội hóa cũng chưa được nhiều. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm; đầu ra sản phẩm nông nghiệp (chế biến, tiêu thụ sản phẩm) còn thiếu tính bền vững.
Từ nay đến cuối năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách huy động, tập trung cao các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó coi trọng sự huy động tham gia đóng góp của người dân. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đẩy mạnh thực hiện việc dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện đưa cơ giới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.