Ngày 10/11, UBND thành phố Hà Nội đã họp khẩn bàn các phương án phòng chống cơn bão số 14 (Haiyan). Theo dự báo, từ chiều tối ngày 10 đến ngày 12/11, Hà Nội sẽ có mưa to khoảng 200-300 mm, gió trên đất liền cấp 6, cấp 7. Lượng mưa lớn lại trút xuống trong thời gian ngắn, dự báo sẽ gây úng ngập trên diện rộng ảnh hưởng đến cây trồng vụ đông, cây ăn quả, các diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhiều khả năng, phần lớn cây vụ đông sẽ mất trắng.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội nhận định các khu vực trũng trong nội thành sẽ bị ngập, mưa gió giật làm đổ cây, ách tắc giao thông. Ở vùng núi có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Do đó, lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo các vùng có nguy cơ bị sạt lở như Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn.
Hà Nội lại đứng trước nguy cơ ngập nặng. Ảnh: Lê Sơn
|
Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội có 4 điểm xung yếu đê điều là Xuân Canh, Long Tửu (tả sông Đuống); Thanh Am, Tình Quang (hữu sông Đuống); Liên Mạc (hữu sông Hồng); Yên Sở (hữu sông Hồng). Hiện các công ty thủy lợi đã cho mở cống tiêu nên trên các tuyến kênh tiêu mực nước đã xuống thấp. Các trạm bơm tiêu đã sẵn sàng vận hành tiêu nước cho cây trồng vụ đông và các khu dân cư khi có mưa lớn xảy ra. Hệ thống tiêu úng ngoại thành hơn 400 trạm bơm, 1.600 máy bơm các loại.
Đối với việc tiêu thoát nước tại nội thành, hồ điều hòa Yên Sở đã hạ mực nước xuống cao trình +1,5m. Tất cả các trạm bơm tiêu thoát đã sẵn sàng vận hành 100% công suất. Bên cạnh đó, hiện mực nước của 54 hồ trong nội thành đã được bơm giảm xuống mức thấp nhất. Những khu vực nguy hiểm đều được đặt cảnh báo.
Sở Xây dựng cũng đã chỉ đạo, giao cho thanh tra xây dựng các quận, huyện phối hợp kiểm tra các công trình xây dựng, các nhà ở nguy hiểm trên địa bàn nội thành, đặc biệt là những khu tập thể xuống cấp, các công trình đang thi công dở. Theo đó, yêu cầu chủ đầu tư và người dân khẩn trương có biện pháp gia cố và di dời. Sở Giao thông vận tải cũng ra thông báo cấm các đò ngang, đò dọc hoạt động, không cho tàu thuyền neo đậu ở nguy hiểm và cấm các thuyền đạp vịt vui chơi giải trí hoạt động trên các hồ như hồ Tây, Trúc Bạch, hồ công viên Thủ Lệ.
Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cũng đã ra thông báo khẩn yêu cầu các đơn vị trường theo dõi sát sao tình hình diễn biến của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão, úng ngập… Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ giáo viên, học sinh và các bậc cha mẹ học sinh về tình hình cơn bão và các kỹ năng phòng chống, ứng phó với những tình huống bất thường của thiên tai; cung cấp những kiến thức cơ bản về các yếu tố, nguy cơ và cách phòng chống một số tai nạn thường gặp do thiên tai như: đuối nước, điện giật, cây đổ…
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị, quận huyện cần tích cực chuẩn bị ứng phó với bão Haiyan, trong đó tổ chức trực ban 24/24 giờ và phân công hệ thống cán bộ xuống từng địa bàn, theo dõi bám sát tình hình. Mục tiêu số một là đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Thời điểm này hết mùa mưa bão, lực lượng ở địa phương đi hết, việc huy động "4 tại chỗ" sẽ gặp khó khăn. Do đó, cách làm phải linh hoạt, quyết định tại chỗ. Ngoài ra, tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Trong khu vực nội thành, các ngành, đơn vị, quận triển khai rà soát, nắm các trọng điểm ngập úng, có phương án xử lý., cắt tỉa cây xanh... Đồng thời kiểm tra đường dây điện, đường dây thông tin và tổ chức phân làn giao thông khi tình huống xảy ra, cảnh báo nguy hiểm nhất là sông Sét, Kim Ngưu…
UBND Hà Nội cũng ban hành công điện hoãn mọi cuộc họp không cần thiết, tập trung chỉ đạo toàn bộ lực lượng, huy động vật tư, phương tiện để giảm thiểu hại người và tài sản do bão Haiyan gây ra.
Trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, với lượng mưa dự báo 200-300mm thì Hà Nội sẽ có 20 điểm đen tại phía Tây thành phố nhiều khả năng sẽ úng ngập nặng dọc theo vành đai 3 và lưu vực sông Nhuệ. Nguyên nhân ở đây hệ thống thoát nước chưa đồng bộ. Chính vì vậy, hiện đơn vị đã bố trí 100% lực lượng công nhân ứng trực tại các vị trí theo phương án đã có. Các đơn vị thoát nước tập trung thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy; trong nội thành kiểm tra và bố trí các tuyến phố có nguy cơ ngập để đảm bảo khả năng thu nước, chuẩn bị việc cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương.
Lãnh đạo Công ty Cây xanh Hà Nội khẳng định, đã huy động toàn bộ lực lượng ứng trực theo phương án đề ra, chặt hạ những cây nghiêng đổ nguy hiểm, khi có điện báo sẽ huy động lực lượng xử lý sớm nhất để không gây ra ùn tắc giao thông trong nội thành vào sáng ngày thứ hai (11/11) khi mọi người đi làm.
XM