Ngập nặng
Trận mưa tối ngày 24/5, rạng sáng ngày 25/5 khiến nhà ông Nguyễn Văn Thân (ngách 46, ngõ 191, đường Lạc Long Quân, Cầu Giấy) ngập sâu hơn 40 cm. Do mưa về tối nên khi phát hiện ra thì nước đã tràn vào nhà, làm ngập nhiều đồ đạc có giá trị như tủ lạnh, lò vi sóng… “Nhà tôi sơ sơ ước thiệt hại hơn chục triệu đồng. Và hàng trăm nhà trong khu vực giáp ranh giữa phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) và Xuân La (Tây Hồ) trong tình cảnh tương tự. Qua tìm hiểu, do hệ thống cống thoát nước đường Võ Chí Công mới thông tuyến quá cao khiến nước các khu dân cư giáp ranh phường Nghĩa Đô và Xuân La không thoát được nước. Gần tuần nay, mấy tổ dân phố ở đây đang làm đơn gửi các cấp, chính quyền địa phương nhưng chưa thấy hồi âm”, ông Nguyễn Văn Thân cho biết.
Tương tự, nhiều nơi như khu dân cư Spark Dương Nội (Hà Đông), nhiều ngõ tuyến ngõ trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy)… đến ngày 26/5 nước chưa rút, người dân buộc phải bắc cầu hoặc lội nước bì bõm đi làm khiến đời sống người dân nhiều khu vực, nhất là khu vực phía tây Hà Nội bị đảo lộn.
Đồ họa các điểm ngập tại Hà Nội. Ảnh: Trung tâm tư liệu - TTXVN |
Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, trận mưa dịp cuối tháng 5 lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Các trạm đo trong nội thành đều ghi nhận lượng mưa rất lớn như: Cầu Giấy 277 mm, Thanh Liệt 252; Hoàng Quốc Việt 249 mm; Ngã Tư Sở 228 mm; Nam Từ Liêm 214 mm, các nơi khác xấp xỉ 200 mm. Còn ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Lượng mưa tối ngày 24/5, rạng sáng 25/5 cấp tập trong khoảng 5 tiếng, nên vượt quá năng lực thoát nước Hà Nội. Kể cả khi Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2 (Dự án II) hoàn thành, cũng chỉ thoát được 310 mm trong vòng 2 ngày ở lưu vực sông Tô Lịch. Trận mưa khiến toàn thành phố xuất hiện 35 điểm úng ngập”.
Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: “Hệ thống thoát nước Hà Nội hiện chia làm 2 lưu vực lớn. Một là lưu vực sông Tô Lịch (77,5 km2), đang được cải tạo theo dự án II với năng lực tính toán là 310 mm/2 ngày. Trong khi đó, lưu vực sông Tả Nhuệ hiện mới chỉ có quy hoạch chung và đang triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết. Việc thoát nước khu vực Tả Nhuệ (khu vực từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ) chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tự chảy, trong khi khu vực này đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị mọc lên. Bên cạnh đó, việc một số khu vực hệ thống thoát nước bị lấn chiếm gây ra tình trạng úng ngập”, ông Lê Vũ Quảng Sương cho biết.
Sớm có quy hoạch hệ thống thoát nước
Hệ thống thoát nước khu vực 12 quận Hà Nội theo 4 lưu vực: sông Tô Lịch; lưu vực Tả Nhuệ, lưu vực Long Biên, lưu vực Hà Đông. Hiện chỉ có lưu vực sông Tô Lịch có hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ. Trong khi đó, theo các chuyên gia đô thị, quy hoạch hệ thống nước Hà Nội đang nhiều bất cập, không theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa đang khiến nhiều ao hồ, sông tại các quận nội thành, ven đô đã bị lấp hoặc thu hẹp để xây dựng nhà cửa. “Do đó, để chống ngập hiệu quả, Hà Nội sớm có quy hoạch chi tiết 3 lưu vực còn lại”, ông Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị nhận xét.
Trước mắt, để chống ngập cho Hà Nội trong mùa mưa 2016, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị thực hiện nạo vét hệ thống cống đồng bộ theo từng lưu vực; đảm bảo hệ thống cống dọc, cống ngang, ga thu không ách tắc mọi thời điểm trong mùa mưa; ưu tiên nạo vét cơ giới tại các trục tiêu thoát chính và các khu vực trọng điểm. Các hồ điều hòa cũng được điều tiết mực nước để đảm bảo thu nước khi mưa lớn.
Đầu mùa mưa, Công ty Thoát nước Hà Nội xác định với trận mưa có lưu lượng từ 50 - 100 mm/2 giờ, khu vực nội đô còn 16 điểm ngập úng. Các điểm ngập úng này thuộc lưu vực sông Tô Lịch gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, một phần Tây Hồ, Thanh Xuân. Với các điểm thường xảy ra nguy cơ úng ngập, Công ty Thoát nước Hà Nội tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực cơ giới như bơm di động, xe hút… và phối hợp với các đơn vị liên quan để tiêu thoát nước sau khi hết mưa từ 30 - 90 phút.
“Thanh tra xây dựng và công ty thoát nước phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải tỏa, chống lấn chiếm hồ, mương, sông, không để xảy ra tình trạng đổ phế thải, lấn chiếm phát sinh, nhất là khu vực ven đô và các khu vực đang phụ thuộc nhiều vào việc tiêu thoát nước tự chảy tại lưu vực Tả Nhuệ, Long Biên, Hà Đông”, ông Võ Nguyên Phong cho biết.