DÒNG SÔNG THÀNH BÃI RÁC
Trên các con sông nội đô có khoảng 300 công nhân thường xuyên làm nhiệm vụ vớt rác, nhưng ngày nào lòng sông cũng ngập ngụa rác thải rắn. Sau những cơn mưa, đi dọc các con sông, chai lọ, bao bóng, xác chết xúc vật… ứ đọng phủ kín bề mặt sông.Trâu Vàng “cõng” rác Đi dọc sông Kim Ngưu vào cuối giờ chiều, hàng quán lấn chiếm vỉa hè hai bên sông bày bán la liệt, người vứt rác, người đổ nước thải xuống sông… Anh Nguyễn Văn Quyên, Tổ trưởng Tổ thu gom phế thải 4 (Xí nghiệp thoát nước số 3) cho biết, mỗi ngày vớt được hơn 1 tấn rác thải rác trên sông Kim Ngưu. Ngày nào cũng có rác thải, rác do người dân vứt xuống, rác chảy ra từ cống thoát nước. “Năm 2.000, sông Kim Ngưu được kè đá, trồng cây xanh, làm hàng rào sắt lan can, đã tạo mỹ quan cho dòng sông, nhưng ý thức của người dân quá kém, họ vứt được cái gì xuống sông là vứt”, anh Quyên nói.
Đoạn sông Kim Ngưu chảy qua Mai Động (quận Hoàng Mai) bị ô nhiễm nặng, bốc mùi thối khó chịu.
|
Chị Nguyễn Thị Mai (công nhân Xí nghiệp thoát nước số 3) tâm sự: “Tôi làm nghề vớt rác trên dòng sông này gần 22 năm rồi, chứng kiến đủ thứ loại tạp phẩm, súc vật chết từ cống chảy ra, của người dân vứt xuống. Trời mưa, chất thải rắn theo cống nước thải ra rất nhiều, chúng tôi phải làm đến tận 22 giờ tối vẫn chưa vớt hết rác”. Theo lời chị Mai, anh chị em trong tổ vớt rác được cấp bảo hộ lao động chuyên dụng và bịt kín mặt khi tiếp xúc với dòng nước ô nhiễm, nhưng vẫn mắc các bệnh ngoài da, đường hô hấp, đau mắt, xoang mũi. Tuy được hỗ trợ đường, sữa, dầu ăn vì tiếp xúc với môi trường độc hại, những cũng chẳng ăn thua.
Ở đoạn sông Kim Ngưu chảy qua Mai Động (quận Hoàng Mai), hai vợ chồng bà N. đang giết mổ gà, vịt, nước bẩn và rác đều đổ xuống sông. Bà Nhì cho hay: “Gia đình tôi khó khăn, được chính quyền tạo điều kiện để mổ thuê gà vịt để kiếm sống qua ngày. Nước bẩn rửa ráy, tôi đổ xuống sông, còn lông gom lại để bán”. “Nhà tôi nghèo lắm! Các anh đừng nói gì, để gia đình tôi có nơi mà kiếm sống”, bà N. nói.
Công nhân vớt rác trên các dòng sông lo lắng nhất là vào dịp lễ Tết, mưa gió, vì lượng rác thải trên sông rất nhiều, có lúc làm đến khuya vẫn chưa hết việc. Ông Nguyễn Quang Trung (công nhân Xí nghiệp 3 thoát nước) làm nghề vớt rác hơn 25 năm trên sông Kim Ngưu. Ông Trung chia sẻ: “Sau lễ ông Công ông Táo là cả dòng sông gần như bị phủ kín bởi những bàn thờ cũ, đồ gia dụng vứt đi. Cận Tết và sau Tết thì cành đào, quất cảnh ngổn ngang dòng sông. Có người ném nguyên cả chậu lẫn cây quất xuống sông, nên chúng tôi phải huy động 2 - 3 người mới kéo nổi cây lên bờ, chở đi xử lý”.
Tô Lịch ứ tắc vì rác Oằn mình chống cây sào dài chừng 2 m, đưa thuyền qua đám bùn lầy để cập bờ, chị Lưu Bích Thủy (Xí nghiệp thoát nước số 1) vừa thở vừa giơ tay quyệt những giọt mồ hôi thành dòng trên mặt. Hít thở một hơi, chị nhảy ngay lên bờ, rồi cào đống vỏ chai ứ đọng trên miệng cống. “Đây là những vỏ chai bia chảy từ cống của mấy nhà hàng, quán karaoke trên đường. Mỗi lần thu gom là hàng chục vỏ, có khi dùng cào không xuể, chúng tôi phải dùng tay để vớt lên”, chị Thủy cho biết.
Theo sách “Việt điện u linh” thì Tô Lịch là tên một vị thủ lĩnh làng ở Hà Nội. Tô Lịch có nhiều công với dân làng nên khi mất, làng Hà Nội gốc được mang tên ông, rồi được phong là Long Đỗ Thần hay Tô Lịch Giang Thần, được thờ ở đền Bạch Mã. Thế kỷ IX thời Bắc thuộc, Cao Biền (là quan người Hán sang đô hộ nước ta) xây thành Đại La năm 866, gặp vị thần xưng Tô Lịch nên đặt tên sông là Tô Lịch. Năm 1883 thực dân Pháp chiếm xong Hà Nội, họ lấy cớ sông Hồng hung dữ thường dẫn nước vào sông Tô gây ra cảnh lụt lội để ngăn lấp đoạn đầu nguồn của sông này và xây phố, chỉ còn lại hơn 14 km sông như hiện trạng ngày nay. |
Ngồi trên thuyền chị Thủy ra giữa sông, một mùi hôi thối sực lên nồng nặc, tôi ho sặc sụa. Chị Thủy cười, nói: “Con sông này lúc nào cũng mùi như vậy, thời tiết càng nắng nóng thì mùi bốc lên càng hôi. Anh chị làm nghề này đều mắc bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp là chuyện thường”. Chị Thủy dùng chiếc cào kéo rác từ hai bên bờ. “Sông bẩn phần nhiều do ý thức người dân chưa cao, ngày nào công nhân cũng vớt rác nhưng cứ dọn xong thì người dân lại ném rác xuống. Tôi và nhiều anh chị em không ít lần bị người dân đi trên đường ném túi rác xuống trúng người khi đang vớt rác trên sông. Đặc biệt những ngày rằm, mùng 1 có nhà ném tro xuống, bụi bay mù mịt”, chị Thủy bức xúc cho biết.
Tổ nhặt rác của chị Thủy gồm 20 người, phụ trách gần 6,5 km sông Tô Lịch từ Hoàng Quốc Việt đến Ngã Tư Sở. Tổ chia làm các nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách khoảng 1 km. Anh Âu Xuân Tiến (tổ trưởng) đưa tôi đi dọc tuyến sông, quan sát chỗ nào ứ đọng nhiều rác thải để huy động anh em làm ngay. Anh Tiến chỉ tay xuống dòng sông, rồi nói: “Rác thải trên sông quá nhiều, ngày này vớt hết thì ngày mai lại có”. Anh Tiến cho biết thêm, trung bình mỗi ngày, cả tổ thu gom được 3 - 4 khối rác thải, những ngày cao điểm như dịp Tết lượng rác tăng gấp đôi, khoảng 7 - 8 khối rác.
Cuối giờ chiều, đi dọc các tuyến sông, lượng nước thải từ các cống thoát nước chảy ra xối xả, nước màu đen sủi bọt, bao ni lông và xác súc vật trôi lềnh phềnh trên bề mặt. Công ty TNHH MTV nước thải Hà Nội phải cắm biển như một lời kêu cứu “xin đừng vứt rác xuống dòng sông”.
Kỳ 3: Oằn mình gánh “ba loại nước”