Chức năng các con sông của thành phố là điều tiết mực nước, tạo cảnh quan của đô thị và thoát nước khi mưa, chống úng ngập. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thoát nước của TP Hà Nội chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên các dòng sông nội thành còn phải gánh thêm chức năng dẫn nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt về nơi xử lý.
Tách riêng, dẫn kín Các chuyên gia kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị cho rằng, về nguyên tắc nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý không được lộ thiên, phải có đường cống kín thu gom riêng, chuyển về điểm xử lý tập trung. Như hiện nay, nước thải chưa qua xử lý xả thẳng vào sông sẽ gây ô nhiễm và nguyên nhân phát tán các bệnh. Bất cập ở chỗ, thành phố đã xây dựng một số trạm và nhà máy xử lý nước thải, nhưng chưa làm hệ thống thu gom nước thải, nên vẫn phải dùng dòng sông dẫn nước thải tới các trạm xử lý. Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, hiện nay hệ thống nước thải của khu dân cư, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn đang đấu nối vào hệ thống cống thoát nước của thành phố, rồi xả ra các sông.
Bà Lê Thị Chuyến Nga ở Tổ 31, phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), ở cạnh sông Kim Ngưu nói rác và nước thải cứ tuồn ra sông thì bao giờ mới sạch. |
Trong lĩnh vực y tế, khi nói đến mức độ ảnh hưởng tới đời sống người dân sinh sống dọc dòng sông ô nhiễm, ông Nguyễn Huy Nga , nguyên Cục trưởng Cục Y tế Môi trường (Bộ Y tế) khẳng định: Nước sông bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cộng đồng bên sông, những người sử dụng nước để sản xuất, sinh hoạt, ăn uống động thực vật sinh trưởng từ dòng nước ô nhiễm này. Chất độc có trong nước sông như hóa chất các nhà máy, công nghiệp, gây ảnh hưởng, người dân ăn động, thực vật sống trong nước đó gây các bệnh, điển hình là bệnh dịch tả, lỵ, thương hàn, bệnh sản, giun sán, bệnh ung thư, vô sinh... Ông Nga còn cho rằng, mùi hôi thối sẽ ảnh hưởng sức khỏe, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến hô hấp. Hiện chưa có đánh giá điều tra nhưng những người sống gần nguồn ô nhiễm bị mắc các bệnh về hô hấp nhiều hơn vùng khác.Nước sông ô nhiễm nặng với nhiều vi sinh vật, vi sinh vật chết tạo nên các tảo độc, rong độc, tạo nên các khí, có thể gây bệnh hô hấp, ảnh hưởng cả thần kinh. Dẫn chứng cụ thể, dịch tả ở vùng gần sông Đáy năm 2007, 2008 do ô nhiễm nước; hay gần đây 3 trẻ em ở thành phố Hồ Chí Minh chết do dùng nước sông ô nhiễm.
PGS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước Khoa Kỹ thuật Môi trường (Đại học Xây dựng) cho rằng, với những đô thị phát triển thì hệ thống thoát nước bao giờ cũng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, nước mưa truyền dẫn xả trực tiếp ra vùng tiếp nhận là sông, còn nước thải thì được thu gom vào những tuyến cống riêng. Do nhiều điều kiện khó khăn quy hoạch, cho nên các sông của Hà Nội làm nhiệm vụ vừa dẫn nước thải, vừa dẫn nước mưa. Mặc dù trước đây một số nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp như: Khơi thông dòng chảy giữa sông Hồng và sông Tô Lịch; dùng công nghệ DCR (quy trình xử lý bằng phản ứng hóa học) cho vôi bột sống (ô xít) kết hợp với các chất phản ứng khác để ổn định cặn bã hữu cơ lòng sông… nhưng chưa thực hiện, nếu có làm như vậy thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
TS Trần Thanh Sơn, Trưởng Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cũng cùng quan điểm trên. Ông đưa ra nhận định: “Các sông bị ô nhiễm là thực trạng mà các nước đang phát triển trên thế giới đều phải đối mặt. Giải pháp quan trọng số một chính là vấn đề thu gom và vận chuyển nước thải, sau đó mới xây dựng trạm xử lý đáp ứng công suất. Nếu nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp được thu gom tốt, không xả ra sông, tiến hành nạo vét bùn cặn theo định kỳ và bơm nước tạo dòng chảy thì một thời gian sau sông sẽ sạch”.
Lợi ích lâu dàiTrao đổi về tình trạng ô nhiễm các sông trên địa bàn Hà Nội, PGS Lê Trình, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC) cho rằng, với mật độ dân số và kiến trúc nhà ở trong nội thành Hà Nội như hiện nay, thì việc xây dựng hệ thống cống thu gom là rất khó. Tuy nhiên, vì lợi ích lâu dài thì khó cũng phải làm. Chúng ta đừng bắt các con sông phải quá tải, vừa là hệ thống chống úng ngập cho thành phố, vừa phải đóng vai trò là mương chứa và dẫn nước thải ô nhiễm. “Hà Nội nên đầu tư một lần, kinh phí tuy cao, còn hơn là quẩn quanh với mấy giải pháp tạm thời, tốn kém tiền Nhà nước”, PGS Lê Trình nói.
Theo ông Phan Hoài Minh, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, hiện nay các con sông nội thành Hà Nội đã được kè hai bên, trồng cây xanh, thả bè thủy sinh, công nhân vớt rác thường xuyên, một năm nạo vét lòng sông hai lần… nhưng chỉ là tình thế tạm thời. Về lâu dài, công ty kiến nghị UBND TP Hà Nội cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải dọc bờ sông, để chuyển nước thải về các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch được phê duyệt; để đồng bộ thì phải đẩy nhanh tiến độ, đưa các nhà máy xử lý nước thải đang xây dựng vào hoạt động, đáp ứng khối lượng nước thải cần xử lý của thành phố.
Kỳ cuối: Bao giờ sông lại xanh?