Ngày đầu tiên thực hiện phương án đổi giờ học, giờ làm, theo ghi nhận của nhóm phóng viên báo Tin Tức, tình trạng giao thông tại các “điểm đen” thường xuyên ùn tắc tại Hà Nội, nay đã có vẻ “dễ thở” hơn…
Nhiều gia đình, cơ quan… cho biết có xáo trộn trong việc sắp xếp thời gian sinh hoạt, công tác…, nhưng đa số người đi đường và chuyên gia giao thông cho rằng, chủ trương mới cần có thời gian thực hiện và thích nghi dần để nhằm đạt mục đích chung: Ổn định trật tự giao thông cho toàn xã hội.
Không thể không xáo trộn
Ngay trong ngày đầu tiên áp dụng phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm tại Hà Nội, đa số những người thuộc nhóm đối tượng áp dụng quy định đều tỏ ra bỡ ngỡ và phải tập làm quen.
Học sinh rời nhà sớm đến trường khi đường phố vẫn còn vắng các phương tiện ô tô,xe máy để kịp giờ học buổi sáng bắt đầu trước 7 giờ. |
7 giờ sáng ngày 1/2/2012, phóng viên báo Tin Tức có mặt tại Trường Tiểu học Ái Mộ, quận Long Biên. Chị Ngô Thu Hà, phường Thượng Thanh (quận Long Biên), phụ huynh của cháu nhỏ học lớp 2 Trường Tiểu học Ái Mộ cho biết: Nhìn chung việc thay đổi giờ đi học và tan trường của các cháu không gây xáo trộn nhiều trong sinh hoạt gia đình, cũng như việc đưa đón các cháu.
Tuy nhiên, giờ tan học của các cháu hơi muộn (17 giờ - 17 giờ 30 phút). Nếu các cháu phải học thêm vào lúc 18 giờ, sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống. Cô Vũ Thị Thường, giáo viên Trường Tiểu học Ái mộ cho rằng, việc quy định giờ học và tan học của các cháu học sinh cấp I khiến các giáo viên vất vả hơn. Trước đây, khoảng 8 giờ kém 15 mới phải có mặt tại trường thì nay sẽ phải có mặt từ 7 giờ 30 phút và buổi chiều, thay vì được về lúc 17 giờ thì sẽ phải ở lại trường thêm 30 phút.
Bất cập là học sinh tiểu học được tan học từ 16 giờ 30 phút, nhưng theo quy định mới, giờ tan trường là 17 giờ 30 phút. Như vậy dù tan học nhưng các cháu học sinh phải “chơi bất đắc dĩ” khoảng 1 giờ tại trường. Cô giáo Thường cho rằng, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn linh hoạt đối với các trường học để không gây ảnh hưởng lớn tới giao thông. Điển hình là các trường ở ngoài khu vực 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình...
Tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (phố Hàm Long), theo quan sát, nhiều học sinh được cha mẹ đưa đến sớm và đứng ở cổng trường. Tuy nhiên tại điểm này đã xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào thời gian giao ca buổi trưa. Lý do là trước đây thời gian giao ca giữa ca học sáng và ca học chiều là 40 phút còn bây giờ chỉ còn 15 phút. Trao đổi với Tin Tức, cô Lý Thị Lương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết, dù đã dự tính trước được tình hình này nhưng là ngày đầu tiên thực hiện nên giải pháp của trường trong ngày 1/2 là huy động toàn bộ lực lượng: bảo vệ, đoàn thanh niên, giáo viên, nhà bếp bán trú… để phân luồng học sinh lúc giao ca. “Cũng không thể lùi thời gian học của buổi chiều do quy định khống chế là 17 giờ tan học, nếu tan học khoảng 17 giờ 30 phút thì giải quyết được tình trạng này. Sau ngày đầu tiên thực hiện, chúng tôi sẽ có kiến nghị lên phòng GD – ĐT về việc này” – cô hiệu trưởng cho biết.
Còn chị Đỗ Phương Lan có con học lớp 1 Trường Tiểu học Đông Ngạc A (huyện Từ Liêm) chia sẻ: “Mọi khi 7 giờ tôi đưa con đến trường, 7 giờ 30 phút lớp bắt đầu học. Nhưng sáng nay đưa con đến trường vào lúc 7 giờ, bảo vệ kiên quyết không mở cổng cho vào vì theo quy định mới 7 giờ 30 phút mới mở cổng. Sợ muộn giờ làm, tôi để con đứng ngoài cổng và đi làm. Rất nhiều nhà như vậy, có lẽ ngành giáo dục cần có những điều chỉnh phù hợp”.
Chị Mai Thị Hương có con đang học lớp 11 Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) cho biết: “Việc thay đổi giờ học, giờ làm khiến gia đình tôi có chút xáo trộn nhưng vẫn kiểm soát được. Giờ học của các con tôi lệch so với giờ làm việc của bố mẹ. Sáng nay, tôi đưa con đi học trước 7 giờ sau đó lại quay về nhà vì giờ làm việc cơ quan tôi bắt đầu từ 9 giờ sáng. Cháu thứ hai thì được bố đưa đi học vào lúc 7 giờ 30 phút. Vì thời gian gấp gáp nên chưa chuẩn bị được cơm cho con ăn, đành để trưa cho ăn ngoài quán. Chắc phải qua vài ngày thì mới quen với nếp giờ mới này”. Chị Hương cũng chia sẻ: “Học sinh cấp III rồi, 19 giờ mới tan học, lịch ôn thi buổi tối cũng phải điều chỉnh lại. Vì vậy học sinh phổ thông sẽ thường xuyên phải đối mặt với việc thức khuya dậy sớm. Tôi nghĩ nhà trường cũng nên điều chỉnh linh động”.
Anh Đức Thắng ở phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm) có con học tại Trường PTTH Việt Đức cho biết: Gia đình vẫn băn khoăn trước lịch đón đưa con học lớp 10 sẽ thay đổi vì sự điều chỉnh giờ. Chủ trương này không chỉ tác động đến sinh hoạt của gia đình, mà việc học của các cháu cũng bị ảnh hưởng theo. Nếu tiếp tục đưa đón các cháu, thì thời gian làm việc khác bị thu hẹp, để các cháu tự đi thì lo lắng khi con đi học về khuya một mình. Đồng quan điểm, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ: Áp dụng việc điều chỉnh giờ, thời gian từ 17giờ -17 giờ 30 phút (lúc tan sở) đến 19 giờ sẽ trở nên vô ích khi phải chờ đợi đón con và phân bổ thời gian theo học tại chức. Nhiều sinh viên của các trường đại học cũng cho rằng, chắc chắn cuộc sống và học tập của họ sẽ thay đổi lớn, vì ngoài việc học chính, họ phải làm thêm, học thêm… Và nếu tan học lúc 19 giờ hàng ngày thì gần như việc làm thêm là không thể, còn nếu học thêm thì phải sau 21 giờ 30 mới về đến nhà.
Cần sự đồng thuận
Chủ trương điều chỉnh giờ học, giờ làm tại Hà Nội chỉ là một trong những giải pháp nhằm làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay của Thủ đô. Hà Nội cũng đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp khác như: Hạn chế phương tiện cá nhân, tách làn phương tiện, tổ chức giao thông, đầu tư hạ tầng… Mỗi giải pháp đều có ưu, nhược điểm. Để đạt được mục tiêu đề ra cần sự đồng thuận của cả xã hội và từng người dân.
Trên thực tế, trước kia, các tuyến phố Chùa Bộc, Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng, Đê La Thành, Láng, Nguyễn Chí Thanh, Bưởi, Lạc Long Quân, Thụy Khuê... thường xuyên là điểm “nóng” giao thông mỗi khi vào giờ cao điểm. Các phương tiện đua nhau chen lấn, bấm còi inh ỏi, chỉ mong được đi nhanh hơn và sớm thoát khỏi tắc đường. Nhưng trong ngày đầu thực hiện điều chỉnh giờ, do thời gian được bố trí lệch nhau từ 30 phút đến 1 tiếng, nên lưu lượng người tham gia giao thông đã thuyên giảm, các tuyến đường này đã không bị ùn tắc cục bộ, mặc dù số lượng phương tiện có gia tăng, nhưng vẫn lưu thông với tốc độ chậm, khác hẳn những ngày trước đó.
Ghi nhận của phóng viên tại 2 đầu cầu Chương Dương từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 phút sáng (giờ cao điểm) đã không xảy ra ùn tắc như thường thấy trong giờ cao điểm (buổi sáng) tại 2 điểm đầu cầu này. Theo lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ tại đầu cầu (hướng đi vào nội đô), muốn biết rõ tác động của việc thay đổi giờ học, giờ làm có tạo chuyển biến tích cực cho giao thông hay không phải chờ đến giờ cao điểm sáng thứ hai, đó là ngày có mật độ người, xe tham gia giao thông đông nhất trong tuần...
Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội CSGT số 3 trực phân luồng giao thông tại nút Láng-Nguyễn Chí Thanh (một “điểm đen” ùn tắc giao thông) cho biết: So với những ngày chưa tiến hành đổi giờ, tại nút giao thông này, hôm nay các dòng phương tiện lưu thông thoáng hơn, không còn xảy ra cảnh ùn tắc. Lúc 7 giờ sáng, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông có đông hơn, mặc dù có xảy ra ùn ứ nhẹ do các bậc phụ huynh đưa con đi học, sau đó mới đến công sở, nhưng nhìn chung không xảy ra ùn tắc.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định: “Sở GTVT sẵn sàng cùng với các cơ quan, ban, ngành giải quyết bài toán ùn tắc giao thông của Hà Nội. Để thực hiện được hiệu quả vấn đề rất cần có sự đồng thuận của toàn xã hội...”.
Nhóm PV