Lan tỏa phong trào
Sau khi có mục tiêu trồng thêm 1 triệu cây xanh, nhiều khu vực như: trường học, bệnh viện, khu đất trống đến những tuyến đường mới mở được trồng thêm cây xanh.
Tại tuyến đường Võ Chí Công, cây xanh được trồng với 5 tầng, thiết kế hai bên hành lang đường là cây cao gồm giáng hương và long não. Dải phân cách giữa trồng cây chiêu liêu, bàng lá nhỏ; cây hoa như dâm bụt, hoa giấy, lài tây, mẫu đơn. Đây được xem là tuyến đường có cây xanh kiểu mẫu của Hà Nội với tiêu chí đẹp mắt, ít công chăm sóc.
Trước đây, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tồn tại một số điểm nóng về đổ phế thải gây ô nhiễm môi trường như các xã: Vĩnh Quỳnh, Tứ Hiệp, thị trấn Văn Điển…. Từ năm 2016, UBND huyện huy động sức dân dọn các bãi phế thải trồng hàng vạn cây dạ thảo, cây ngũ sắc, cây cọ… tạo cảnh quan cho khu dân cư.
Theo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, ba năm trở lại đây, gần 200 khu vực được trồng bổ sung, thay thế, với lượng cây trồng tăng 10 - 15 lần so với trước năm 2015. Cây xanh có nguồn gốc ngoại cũng được trồng trên đường phố như phong lá đỏ, tạo sự hiện đại, tươi mới hơn cho Thủ đô.
Khác với những năm trước đây, hiện cây được trồng tại Hà Nội theo hướng có đường kính lớn từ 10 - 20 cm, cao 6 - 8 mét, được gông, chống bằng gỗ hoặc sắt chắc chắn, cộng với việc chăm bón tốt nên tỷ lệ cây sống sót cao, hạn chế gẫy đổ.
So với trước năm 2015, số cây được cắt tỉa tăng tới 10 - 15 lần, bình quân mỗi năm có 40.000 cây được cắt tỉa. Việc này được Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), giám sát chỉ đạo trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin để tạo hình cây đẹp nhất sau khi cắt, đảm bảo lợi dụng được hướng gió, hướng nắng để cây phát triển bình thường. Do được cắt tỉa, chăm sóc đúng quy trình, cây xanh tại Hà Nội ít xảy ra tình trạng gẫy đổ như trước.
Bên cạnh những tuyến phố mà người dân có ý thức gìn giữ cây xanh, nhiều nơi ý thức của người dân chưa được nâng cao. Tuyến phố Lò Đúc (Hai Bà Trưng) có hàng cây sao đen vô giá, tuổi đời hàng trăm năm nhưng một số người dân vẫn để bếp than tổ ong đun nấu hoặc láng bê tông bịt kín gốc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của cây. Hiện tình trạng trộm cây xanh nhất là cây sưa đang xảy ra ở một số địa phương; trong khi đó việc ngăn chặn chưa hiệu quả.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thị Vinh, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trước quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, việc tăng diện tích cây xanh trên đầu người là cần thiết để nâng chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Song, để thực hiện mục tiêu trên là không dễ nếu thiếu sự vào cuộc của cả cộng đồng.
“Làm sao để cộng đồng chăm sóc, bảo vệ, duy tu cây xanh trước cửa nhà mình và trong khu vực dân cư. Ngoài ra, cán bộ phường, xã hiểu rõ yêu cầu và trách nhiệm trong bảo vệ cây xanh, tránh trường hợp khi triển khai lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, một số xã của thành phố chặt hàng trăm cây xanh”, Tiến sỹ Vũ Thị Vinh nêu ý kiến.
Tăng diện tích cây xanh
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội tăng diện tích cây xanh đạt 8 m2/người. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thời gian tới, thành phố đặt ra yêu cầu trồng mới cây xanh trên 3 tiêu chí: đồng bộ, đồng đều và đa dạng. Cây trồng trên địa bàn không chỉ giúp làm đẹp về cảnh quan đô thị mà còn giảm bụi, hạn chế tiếng ồn.
Giải pháp Hà Nội đưa ra để tăng diện tích cây xanh là huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư; đào tạo cán bộ công nhân viên cây xanh chuyên nghiệp, hiện đại. Mặt khác, thành phố Hà Nội sẽ đưa việc giáo dục ý thức giữ gìn cây xanh, hồ nước giảng dạy ở một số cấp học.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm, Hà Nội đặt hàng các nhà khoa học để đưa ra những loại cây mới phù hợp hơn với đô thị; thiết kế trồng cây tại một số tuyến đường theo hướng: cây bóng mát xen lẫn cây xanh, giữ được độ ẩm, hạn chế việc tưới nước và tạo dải phân cách xanh; tránh ánh sáng đèn khi phương tiện lưu thông ngược chiều vào ban đêm…
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, thành phố cần coi trọng việc quy hoạch cây xanh và xem đây là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đặc biệt, Hà Nội gắn thiết kế cây xanh với thiết kế đô thị để tạo nét đặc trưng tại các tuyến phố.
Trong hồi ký của mình cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho biết, trong những năm tháng cầm quyền, ông luôn coi trọng việc trồng cây và biến nó thành việc làm của cả chính quyền và người dân. Cách làm của Singapore là tăng cường trồng cây bên cạnh việc kiên trì tuyên truyền giáo dục để người dân có ý thức gìn giữ cây xanh.