Đặc biệt, Hà Nội đã chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tính pháp lý của thửa đất để xét cấp sổ đỏ. Cụ thể, từ ngày 8/11, đối với việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, chủ sử dụng đất không phải nộp bản đồ địa chính khi nộp hồ sơ. Khi thẩm định hồ sơ, đối với nơi đã có bản đồ địa chính, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trích sao để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận và không phải chuyển UBND cấp xã nơi có đất xác nhận về vị trí, ranh giới sử dụng đất không tranh chấp, khiếu kiện.
Đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính, Sở thuê với đơn vị có tư cách pháp nhân hành nghề đo đạc bản đồ đo trích lục bản đồ địa chính hoặc bản trích đo địa chính thửa đất theo quy định, lấy xác nhận về vị trí, ranh giới sử dụng đất không tranh chấp, khiếu kiện của UBND cấp xã nơi có đất.
Hướng dẫn thủ tục cho người dân tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN |
Thành phố bỏ thủ tục lấy ý kiến bằng văn bản của UBND cấp huyện nơi có đất xác nhận việc quản lý, sử dụng đất và đề nghị công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức. Đối với trường hợp ranh giới thửa đất không rõ ràng hoặc có tranh chấp, bỏ thủ tục nộp bản sao công chứng hoặc chứng thực quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép đầu tư của người sử dụng đất. Đối với các tổ chức được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, hiện đang sử dụng đất đúng mục đích, đúng vị trí, ranh giới, diện tích đất được giao, được thuê (kể cả trường hợp sử dụng đất có diện tích đất nhỏ hơn, nằm trong ranh giới, diện tích đất được giao, được thuê) thì không phải lấy thông tin quy hoạch của Sở Quy hoạch Kiến trúc và chỉ giới đường đỏ.
Đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 1993, 2003, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp trước đây đã hoàn thành thủ tục bàn giao đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Đối với các trường hợp đang làm thủ tục giao đất, cho thuê đất, sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và nghĩa vụ tài chính theo quy định, Sở làm thủ tục bàn giao đất trên thực địa và làm thủ tục cấp ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không yêu cầu chủ đầu tư phải lập hồ sơ khác.
Đối với các tổ chức mua nhà ở, diện tích sàn kinh doanh thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, Sở không phải báo cáo UBND Thành phố xin chấp thuận chủ trương mà xét cấp ngay sổ đỏ cho tổ chức đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính như việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà tại dự án.
Về cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp huyện phải tiến hành thanh tra, xử lý đối với các trường hợp đã vi phạm là đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư để làm căn cứ xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với các trường hợp đã vi phạm trên đất vườn, ao liền kề với đất ở; đất vườn, ao xen kẹt trong khu dân cư, kiểm tra, xử lý vi phạm trước khi xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Cũng theo chỉ đạo của thành phố, khi thực hiện quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục công nhận quyền sử dụng đất và cho hộ gia đình, cả nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cùng cấp tích hợp nội dung quyết định công nhận quyền sử dụng đất và nội dung quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào một bản quyết định, trình UBND cấp huyện ký quyết định, đồng thời ký giấy chứng nhận. Giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính tại khoản 3 Điều 29 là 7 ngày.
Khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong dự án phát triển nhà ở, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các chủ đầu tư dự án phát triển nhà kiểm tra hồ sơ pháp lý phục vụ công tác đăng kỷ, cấp giấy chứng nhận ngay từ thời điểm chủ đầu tư ký hợp đồng bán nhà cho người mua (không đợi đến sau khi hoàn thành công trình); tiến hành thanh tra, kiểm tra và triển khai thực hiện các bước thủ tục cấp giấy chứng nhận, đảm bảo khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho người mua nhà đồng thời Nhà nước trao Giấy chứng nhận cho người mua nhà theo quy định.
Trường hợp chủ đầu tư vi phạm quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch, thì chỉ những trường hợp vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực do các ngành, các cấp khác nhau quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường mới tiến hành thanh tra hoặc đề xuất thanh tra; các trường hợp vi phạm không nghiêm trọng, liên quan đến 1 lĩnh vực quản lý Sở chủ động kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, để đẩy nhanh tiến độ xử lý, khắc phục tồn tại, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 144.011 thửa đất tại các khu dân cư còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc do phần lớn các trường hợp còn lại không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai từ nhiều năm qua chưa giải quyết được.
Tại các dự án phát triển nhà ở cũng có tới 56.970 căn hộ có liên quan đến sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đất đai của chủ đầu tư, không đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Riêng đối với tổ chức sử dụng đất còn khoảng 3.000 tổ chức chưa kê khai cấp giấy chứng nhận.