Thời gian hoạt động của của các điểm chợ hoa này từ 4/1 (ngày 10/12 Âm lịch) đến ngày 24/1 (tức ngày 30/12 âm lịch). Kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa và ngân sách các quận, huyện.
Thành phố chỉ đạo các ban ngành, quận, huyện quan tâm tới việc tổ chức chợ hoa; đảm bảo chợ hoa phải có tên biển, trang trí cờ, ánh sáng, đơn vị quản lý với số điện thoại cụ thể giao dịch hoặc kịp thời giải quyết sự cố. Đồng thời, dành khoảng 30% diện tích chợ làm nơi trông giữ phương tiện cho khách đến tham quan, mua sắm; trang trí, bố trí khu vực chợ và sắp xếp hoa, cây cảnh, ngành hàng, mặt hàng hợp lý, thuận tiện cho việc mua sắm của nhân dân...
Các điểm chợ hoa đã được phê duyệt cách nút giao thông tối thiểu 20m tính từ mép đường giao nhau. Sở Giao thông Vận tải có nhiệm vụ phân luồng nhằm đảm bảo an ninh trật tự; hạn chế ách tắc khu vực chợ hoa. Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với các địa phương triển khai phương án chiếu sáng, thu dọn rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Vì điều kiện địa lý nên các quận trung tâm nội thành được bố trí ít điểm hơn. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm có 1 điểm tại phường Hà Mã; quận Hai Bà Trưng 3 điểm tại chợ Mơ, Công viên Thống Nhất, Công viên Tuổi trẻ; quận Thanh Xuân với 2 điểm tại Công viên hồ điều hòa Nhân Chính và ngõ 64 đường Kim Giang; Quận Hoàng Mai có 2 điểm gần hồ Đền Lừ và phố Hoàng Liệt.
Một số quận vùng ven được bố trí nhiều điểm hơn như: quận Hà Đông 9 điểm; Bắc Từ Liêm 5 điểm; Tây Hồ 7 điểm và thị xã Sơn Tây 4 điểm…