Hình thức bày trái cây vỉa hè trong các quận nội thành Hà Nội sẽ bị cấm. |
Đối với sản phẩm trái cây, nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố khoảng 52.000 tấn/tháng, trong đó khả năng sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 30%, nhập khẩu từ nước ngoài chiếm 15% và nhập từ các tỉnh thành khác khoảng 55%. Tuy nhiên, bên cạnh các trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ đầu mối, dân sinh kinh doanh trái cây, còn có nhiều điểm bán khác tại vỉa hè. Đáng chú ý là tình trạng sử dụng hóa chất quá liều, hóa chất cấm, chất kích thích… không thuộc danh mục được phép sử dụng.
Theo đề án, Hà Nội hướng đến là quản lý hệ thống cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư thuộc các quận nội thành theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe và các điều kiện theo quy định.
Trong năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây đảm bảo chất lượng... Tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn thành phố.
Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, không chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh trái cây và xóa bỏ các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, trật tự đô thị. Đến năm 2018, Hà Nội sẽ kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trong các quận nội thành.
Mục tiêu của đề án tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường kết nối giữa các cơ sở sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm trái cây để xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc các mặt hàng trái cây.
Đề án sẽ chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 8 đến tháng 9/2017: khảo sát về địa điểm, quy mô kinh doanh, xây dựng ban hành kế hoạch, thông tin tuyên truyền.
Giai đoạn 2 từ tháng 10/2017 đến tháng 2/2018 tập trung xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kết nối xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ.
Giái đoạn 3 từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2018 tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh không thực hiện đúng quy định; hoàn thành công tác cấp biển nhận diện với các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện.