Hà Nội tăng cường quản lý cải tạo biệt thự cũ

Để tăng cường quản lý và phát huy giá trị của quỹ nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo nhà biệt thự, báo cáo thành phố trước ngày 31/7/2014.


Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, trong trường hợp đặc biệt phải phá dỡ nhà biệt thự theo Điều 10 của Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954, đối với biệt thự nhóm 3 (thuộc sở hữu Nhà nước và do các cơ quan, tổ chức quản lý sử dụng hoặc biệt thự đan xen sử dụng giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân; biệt thự thuộc sở hữu tư nhân), Sở Xây dựng và UBND quận phải kiểm tra phương án xây dựng lại công trình trên khuôn viên đất của chủ đầu tư, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt và phải là nhà thấp tầng, báo cáo UBND thành phố trước khi đề nghị cho chủ đầu tư được phá dỡ biệt thự.


Một góc biệt thự cổ Hà Nội.


Sau khi UBND thành phố chấp thuận cho phép xây dựng lại công trình trên khuôn viên đất, Sở Xây dựng và UBND các quận chịu trách nhiệm trước thành phố trong việc kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện theo đúng phương án được duyệt.


Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ ngày 8/12/2013, Hà Nội đã áp dụng quy chế mới về quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn. Theo đó, thành phố đã xác định được danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 và phân loại thành các nhóm trên địa bàn các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Thành phố cũng xác định 312 nhà biệt thự thuộc các loại xây dựng sau năm 1954, đã bị phá dỡ xây dựng lại hoặc chưa xây dựng lại nhưng đã bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng, không thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo quy chế này.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, việc quản lý, sử dụng nhà biệt thự phải đảm bảo đúng các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc, pháp luật về nhà ở. Do đó, thành phố đã đưa ra các tiêu chí xác định nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước không bán, không tư nhân hóa; nhà biệt thự được bảo tồn, tôn tạo, quản lý, sử dụng phân loại thành 3 nhóm biệt thự.


UBND thành phố Hà Nội cũng quy định rõ, nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; nhà biệt thự có giá trị về lịch sử văn hóa, cách mạng - kháng chiến và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thuộc nhóm 1 và nhóm 2 được cấp Giấy chứng nhận “Nhà biệt thự có giá trị lịch sử văn hóa, cách mạng - kháng chiến và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu”.


Thành phố không cho phép đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc các trường hợp như chia tách thành nhiều thửa đất đối với khuôn viên đất của nhà biệt thự thuộc sở hữu tư nhân; chặt hạ cây xanh cổ thụ, xây thêm công trình mới trên khuôn viên đất trống của nhà biệt thự; chia tách hợp đồng thuê nhà đối với nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước. Trường hợp các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà biệt thự tự ý phá dỡ nhà biệt thự khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải phục hồi, xây dựng lại theo quy định...


Minh Nghĩa

Xây dựng trái phép trong biệt thự cổ
Xây dựng trái phép trong biệt thự cổ

Nhiều hộ gia đình xung quanh ngôi biệt thự cổ số 37, phố Quang Trung, Hà Nội đã bức xúc gửi đơn thư vượt cấp đề nghị có phương án khẩn cấp để bảo vệ nguyên trạng biệt thự đang bị một số người đập phá tường rào, xây dựng các công trình trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN