Mô hình này đã được các doanh nghiệp ủng hộ; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận là sáng tạo, rất thiết thực và được các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trong cả nước học tập triển khai.
Thành lập 8.343 "Tổ an toàn (chống) COVID-19"
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, sau 12 ngày triển khai, tất cả Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở ở Thủ đô đã có văn bản hướng dẫn thành lập xuống các Công đoàn cơ sở và đến các doanh nghiệp. Tất cả 30 quận, huyện, thị xã và các sở thuộc ngành công thương, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn có chỉ đạo về việc thành lập "Tổ an toàn (chống) COVID-19" trong doanh nghiệp.
Tính đến ngày 26/5, trên địa bàn Hà Nội đã có 2.533 doanh nghiệp triển khai, thành lập 8.343 "Tổ an toàn (chống) COVID-19" và có 39.464 người tham gia. Trong đó, các khu công nghiệp và chế xuất thành lập 63 "Tổ an toàn (chống) COVID-19" ở 359 doanh nghiệp (đạt 100% các doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở), với 1.979 tổ và 8.246 người tham gia.
Đáng chú ý, tại 51 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở không trực thuộc Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất và chưa có Công đoàn cơ sở đã thành lập được "Tổ an toàn (chống) COVID-19". "Kết quả này khẳng định hướng đi đúng, trúng của các cấp Công đoàn, không chỉ thể hiện rõ quyết tâm chiến thắng dịch bệnh mà còn tạo đà cho sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền địa phương", Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, "Tổ an toàn (chống) COVID-19" do người sử dụng lao động ban hành quyết định thành lập và có quy chế hướng dẫn hoạt động; được tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống dịch cũng như kỹ năng, phương pháp hoạt động. Nhiệm vụ của tổ là vào đầu ca sản xuất tiến hành kiểm tra các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trước khi làm việc; giám sát chặt chẽ công nhân lao động thực hiện khai báo y tế và các biện pháp phòng dịch, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc nghi nhiễm báo cáo kịp thời.
Trong giờ làm việc, tổ thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm Thông điệp "5K" của Bộ Y tế; tuyên truyền, phổ biến các biện pháp về phòng, chống dịch đến toàn thể người lao động; phát hiện và báo cáo kịp thời khi có vấn đề phát sinh tại nơi làm việc. Cuối ca làm việc, tổ nhắc nhở công nhân làm vệ sinh, lau dọn, sát khuẩn tại khu vực làm việc của mình, nhất là các bề mặt, tay nắm, nút bấm…
Căn cứ các nhiệm vụ trên, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng đưa ra bảng tự đánh giá hoạt động của "Tổ an toàn (chống) COVID-19" với thang điểm cao nhất là 100 điểm.
Nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch bệnh
Để phát huy vai trò, hiệu quả thực tiễn của "Tổ an toàn (chống) COVID-19" trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các cấp công đoàn khẩn trương kích hoạt hoạt động của các "Tổ an toàn (chống) COVID-19".
Các tổ cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền đồng cấp tiến hành kiểm tra, hướng dẫn việc thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của "Tổ an toàn (chống) COVID-19"; hướng dẫn các Công đoàn cơ sở hoặc cán bộ phụ trách của doanh nghiệp (nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở) tự chấm điểm, đánh giá hoạt động của tổ gửi về Công đoàn cấp trên cơ sở. Đối với những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở thì chủ doanh nghiệp cử cán bộ (hoặc bộ phận) để trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của "Tổ an toàn (chống) COVID-19" đảm bảo hiệu quả.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp phải báo cáo tình hình thành lập, hoạt động các "Tổ an toàn (chống) COVID-19"; phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời, đưa ra những kiến nghị, đề xuất để mô hình đi vào hoạt động thực tế đạt hiệu quả cao. Cần nhân rộng và lan những đơn vị chủ động, linh hoạt và có cách làm sáng tạo; khen thưởng kịp thời.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đánh giá cao sự khẩn trương, trách nhiệm của một số Chủ tịch Công đoàn cấp trên cơ sở, vừa tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền cùng cấp để có sự phối hợp hiệu quả, vừa sáng tạo, chủ động trong cách triển khai công việc như Liên đoàn Lao động các quận, huyện: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Thường Tín, Phúc Thọ…
Hiện tại, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Liên đoàn Lao động thành phố đang tham mưu để đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội đưa hoạt động của "Tổ an toàn (chống) COVID-19" vào nội dung báo cáo và quan tâm tiêm vaccine cho lực lượng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp của Công đoàn Thủ đô. Các cấp công đoàn đặc biệt lưu ý việc triển khai thành lập "Tổ an toàn (chống) COVID-19" tại các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn cơ sở, nhất là trong các khu công nghiệp, chế xuất, các làng nghề tập trung đông công nhân lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh: Việc thành lập các "Tổ an toàn (chống) COVID-19" tại các doanh nghiệp trước mắt là đáp ứng công tác phòng, chống dịch nhưng sâu xa hơn, đó là việc khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của tổ chức Công đoàn, là tiền đề để thành lập các Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, từ ngày 27/4 - 24/5, đã có 31công nhân, viên chức, người lao động mắc COVID-19; trong đó, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất có 13 ca, Công đoàn ngành giáo dục - 2 ca, Công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn - 2 ca, Liên đoàn Lao động huyện Thường Tín - 6 ca, quận Hoàn Kiếm - 2 ca, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - 5 ca, Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm - 1 ca.
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đã có 175 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 1.162 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động, 3.930 công nhân lao động mất việc làm, 39.301 công nhân lao động thiếu việc làm.
Nhằm kịp thời hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Công đoàn cơ sở đã hỗ trợ cho 1.542 người với số tiền 955 triệu đồng, Công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ 1.655 người với số tiền 925 triệu đồng.