* Nhiều người lành mang virút nên nguy cơ dịch lây lan rất cao
“Tại Hà Nội, vừa có một cháu bé tử vong với các triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng. Song, việc khẳng định cháu bé tử vong vì nguyên nhân gì thì cần chờ kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Nhi TƯ”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết chiều 6/10.
Đó là trường hợp bé Đ.H.Đ. (10 tháng tuổi, Đống Đa, Hà Nội) tử vong ngay sau khi nhập viện khoảng 6 giờ. Trước đó, anh trai của bé Đ. (3,5 tuổi) cũng bị mắc bệnh tay chân miệng nhưng ở thể nhẹ, tự khỏi.
Sau khi anh trai mắc bệnh, bé Đ. sốt cao liên tục, trong trạng thái li bì. Gia đình đưa Đ. đến một phòng khám tư, được bác sĩ chỉ định truyền nước, nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, không cắt được cơn sốt. Rạng sáng ngày 6/10, do tình trạng bệnh trở nặng, bé Đ. tiếp tục sốt cao, thở yếu nên được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi TƯ.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 471 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, duy nhất có 1 ca là người lớn (24 tuổi). Ngày 20/9, đã có 1 trẻ bị tử vong do bệnh tay chân miệng. |
Tại đây, các bác sĩ xác định Đ. có dấu hiệu lâm sàng của bệnh tay chân miệng. Dù được cấp cứu tích cực, nhưng diễn tiến bệnh quá nhanh nên Đ. đã tử vong ngay trong ngày 6/10.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết: "Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ bùng phát thành dịch. Nguồn lây chính là từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ bệnh, trực tiếp với những dịch tiết từ nốt phỏng, đờm dãi, phân (qua quá trình thay tã, vệ sinh cho trẻ...), cũng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao".
Phương Liên