Sân chơi trong thành phố quá tải
Mùa hè này, điểm vui chơi truyền thống của trẻ em Hà Nội là Cung Thiếu nhi luôn kín lịch sinh hoạt. Phụ huynh cho con em mình đến Cung thiếu nhi để tham gia các lớp, câu lạc bộ về đàn, hát, võ thuật, trình diễn thời trang… Theo anh Lê Quang Tuấn, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội, cho đến hết đợt đăng ký hè năm nay (từ 15/5 đến 31/5) đã có 15.636 lượt trẻ em tới đăng ký học hè. Con số này tương đương cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, các lớp học đều đã đủ số lượng, một số phụ huynh dẫn con đến đăng ký nhưng đã không còn lớp.
Vỉa hè biến thành sân đá bóng của thiếu nhi. (Ảnh chụp trên phố Lê Thánh Tông lúc 17 giờ ngày 27/6). Ảnh: Lê Phú |
Bên cạnh đó, các công viên có cơ sở vật chất tốt, nhiều trò chơi hấp dẫn như công viên nước Hồ Tây, công viên Thiên đường Bảo Sơn thì vé vào cửa lại khá đắt đỏ nên không phải em nhỏ nào cũng có thể đến chơi thường xuyên được. Chỉ những dịp nghỉ lễ, Tết thì cha mẹ mới cho các em đến những điểm vui chơi “hạng sang” này.
Vì thế đa số trẻ em ở Hà Nội lựa chọn các điểm vui chơi công cộng như Bảo tàng Dân tộc học, vườn hoa Lý Thái Tổ, công viên Lênin. Cứ mỗi dịp cuối tuần hay buổi tối hàng ngày là những nơi này lại đông nghịt trẻ em lẫn người lớn. Có em thì trượt ba tanh, có em thì đuổi bắt hoặc chơi chong chóng. Mỗi mét vuông diện tích những điểm vui chơi này đều phát huy tối đa tác dụng.
“Thi nhau” chiếm sân chơi của trẻ
Sân chơi cho trẻ em không chỉ thiếu mà còn bị lấn chiếm. Tại các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, sân chơi cho trẻ đang bị xuống cấp, trở nên nhếch nhác. Một số điểm thì bị người dân chiếm dụng làm nơi buôn bán, kinh doanh. Đơn cử như khu tập thể Nguyễn Công Trứ, hiện nay nhiều sân chơi đang bị biến thành khu buôn bán. Trong con ngõ dẫn vào chợ Nguyễn Công Trứ, một sân chơi của khu tập thể cũ đã bị biến thành nơi bán hàng ăn caramen và bánh giò. Khách ngồi ăn bít kín lối vào sân chơi, phần bên trong thì lại trở thành nơi gửi xe của khách.
Ông Nguyễn Trọng An, phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ,TB và XH:
Phát huy vai trò của Đoàn thanh niên cơ sở
Trẻ em về nghỉ hè thì có sự bàn giao của nhà trường cho Đoàn thanh niên của xã, phường quản lý. Tuy nhiên những năm gần đây, việc này chưa được chú trọng. Vì vậy cần phát huy vai trò của Đoàn thanh niên các cấp trong việc tạo sân chơi hè cho trẻ em. Nhưng xét cho cùng, gia đình đóng vai trò quan trọng nhất, là chỗ bảo vệ tốt nhất. Các bậc cha mẹ cần có sự chuẩn bị về kế hoạch học tập, vui chơi khoa học nhất cho con mình mỗi dịp hè về.
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội:
Không được lấy việc giao bài tập cho con để trông trẻ, kiểu như “cô Tấm nhặt thóc”
Khoảng tháng 7 nên bắt đầu cho trẻ quay trở lại với sách vở nhưng theo cách vừa học vừa chơi. Hàng ngày cha mẹ nên dành khoảng thời gian nhất định để cùng con học theo kiểu cùng giải một bài toán theo nhiều cách, cùng giải câu đố hay vẽ tranh… Thậm chí, tôi biết rất nhiều các phụ huynh cho con đi tham quan các di tích lịch sử, đi nghỉ mát rồi về cho con viết cảm nhận của mình. Việc này rất có ích đối với trẻ, vừa giúp mở rộng kiến thức, vừa là cách để trẻ cầm bút viết bài để dần từng bước quay trở lại với việc học trước khi bắt đầu năm học mới.
Anh Lê Quang Tuấn, Phó giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội:
Năm nào số lượng trẻ mà Cung nhận vào so với cơ sở vật chất đều quá tải
Nhắc đến điểm vui chơi cho trẻ em Hà Nội hoạt động hiệu quả thì chỉ có Cung Thiếu nhi, CV Thống nhất, Nhà Thiếu nhi quận Ba Đình, Trung tâm Thể thao 10-10… Hiện tại Cung Thiếu nhi Hà Nội đang triển khai hai dự án, thứ nhất là sửa chữa lại toàn bộ cung hiện nay để hiện đại hơn, thích ứng nhu cầu hưởng thụ và gần gũi hơn với thiếu nhi, thứ hai là dự án xây dựng mới cung với quy mô hơn 3 ha ở khu đô thị Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy).
Bà Nguyễn Thị Lê (Ba Đình, Hà Nội):
Đồ chơi cho trẻ thiếu và không an toàn
Nhà tôi gần công viên Thủ Lệ nên cũng hay cho các cháu ra đó chơi. Nhưng chỉ hai, ba lần là các cháu không thích nữa vì chỉ đi ngắm vài con thú rồi đi ra, đồ chơi thì cũ kỹ. Thỉnh thoảng mới có dịp đưa các cháu đi công viên nước nhưng lần nào đi cũng đông nghẹt người. Muốn mua đồ chơi về nhà cho các cháu chơi nhưng tôi rất lo ngại vì đồ chơi trên thị trường hiện nay chủ yếu không rõ nguồn gốc hoặc xuất xứ từ Trung Quốc. |
Theo kỹ sư Phạm Gia Lượng, Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng – Kiến trúc đô thị, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội: Trước đây, các khu tập thể cũ đều có thiết kế sân chơi cho trẻ em. Theo tiêu chuẩn lúc đó, khoảng cách giữa hai tòa nhà 5 tầng rộng bằng 1,5 - 2 lần chiều cao của tòa nhà, đây chính là khu vực sân chơi. Song vì quản lí kém nên người dân đã lấn chiếm để trồng rau, cơi nới xây nhà thấp tầng… Hiện nay các khu Nghĩa Tân, Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ vẫn còn những khu vui chơi như thế nhưng đều bị lấn chiếm ít nhiều.
Ngược lại với tình trạng đất chật người đông khiến sân chơi bị chiếm dụng vì những mục đích cá nhân tại các khu tập thể cũ, ở các khu đô thị mới, mặc dù quỹ đất rất rộng rãi nhưng vẫn phải mỏi mắt tìm chỗ chơi cho trẻ em. Giải thích sự “trớ trêu” này, ông Phạm Gia Lượng cho rằng: Theo quy hoạch, khu đô thị mới nào cũng có sân chơi cho trẻ. Song khi triển khai dự án thì người ta thường quan tâm đến nhà ở đầu tiên, các yếu tố khác bị xem nhẹ.
Ngay tại khu đô thị Nam Trung Yên, nơi đặt trụ sở của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, người ta đã tận dụng một diện tích đất khá rộng mà lẽ ra phải trồng cây xanh làm sân chơi để trông giữ xe, với lí do dân đến ở khu đô thị này chưa nhiều nên chưa cần thiết phải xây dựng khu vui chơi. “Có nhiều cách tổ chức sân chơi: Có thể xây dựng những sân chơi lớn với công viên cây xanh, hoặc có thể chia nhỏ ra xen giữa các tòa nhà trong khu đô thị. Muốn sân chơi có những trò chơi phục vụ riêng cho trẻ em thì chính quyền địa phương phải quan tâm, đầu tư xây dựng. Có thể sử dụng vốn ngân sách hoặc kêu gọi nhân dân cùng làm”, ông Lượng cho biết thêm.
Ngoại thành thiếu chỗ chơi an toàn
Nếu như trong thành phố, các sân chơi đang quá tải thì trẻ em khu vực ngoại thành Hà Nội lại thiếu những sân chơi an toàn. Ở ngoại thành, trẻ em rất ít có cơ hội đến những điểm vui chơi quy mô, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị. Các em chủ yếu quanh quẩn ở đường làng, ngõ xóm, những bãi đất trống hay cánh đồng.
Theo khảo sát của phóng viên trên địa bàn xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km): Ban ngày trẻ em thường bị bố mẹ quản lí ở nhà, không cho ra ngoài đường chơi vì trời nắng. Đến 5 giờ chiều, các em tràn ra ngoài đường chơi đá bóng, hoặc đùa nghịch với nhau. Anh Nguyễn Đăng Hạ (xóm 4, Vĩnh Quỳnh), bố của bé Nam (6 tuổi) và bé Chi (4 tuổi) than thở: “Ở nông thôn kiếm đâu ra điểm vui chơi cho trẻ con. Chúng tôi chỉ biết quản lí con em mình để chúng không đi quá xa quanh khu vực nhà mình thôi. Có hôm đi tìm con đến bở hơi tai vì nó đi vào nhà hàng xóm chơi mà mình không biết”.
Khoảng hơn chục năm trước, trên địa bàn xã Tứ Hiệp, cách xã Vĩnh Quỳnh khoảng 3-4 km có một điểm vui chơi được huyện đầu tư khá hiện đại. Ở thời điểm đó, một nơi có các trò chơi như bập bênh, trượt cầu, xích đu là niềm mơ ước của bất kì đứa trẻ nào. Anh Vũ Hồng Sơn, năm nay 24 tuổi, nhớ lại kí ức tuổi thơ của mình: “Khi đó, với bọn trẻ chúng tôi, 4 km là một chặng đường rất xa. Ấy thế mà hàng ngày, lũ trẻ vẫn rủ nhau kéo sang xã Tứ Hiệp chỉ để được chơi tại khu vui chơi đó”.
Giờ thì điểm vui chơi xã Tứ Hiệp vẫn còn, song sau bao nhiêu năm không được đầu tư, bảo dưỡng, nhiều trò chơi đã xuống cấp. Ít khi thấy trẻ em đến đó chơi, càng không còn cảnh những đứa trẻ ở xã khác đạp xe sang chơi nữa. Thấu hiểu nỗi lòng của phụ huynh, vừa qua lãnh đạo thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh đã đồng ý cho một đơn vị tư nhân thuê địa điểm nhà văn hóa thôn để làm nơi vui chơi cho trẻ. Những trò chơi bổ ích như đu quay, nhà phao, câu cá trên diện tích sân rộng của nhà văn hóa thôn đã thu hút trẻ con trên địa bàn. Mỗi buổi tối, trẻ em kéo đến đông nghịt. Với mức giá chỉ vài nghìn đồng cho mỗi trò chơi, trẻ em đã có thể thoải mái vui chơi, còn phụ huynh thì yên tâm.
Khu vui chơi xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) trước đây có rất nhiều trò chơi cho trẻ em, nhưng nay chỉ còn là bãi đất trống. Ảnh: Hoàng Dương |
Ông Dương Văn Thêm, Trưởng thôn Quỳnh Đô cho biết: “Mặc dù điều kiện của thôn còn nhiều khó khăn, nhà văn hóa mới xây dựng và phải chia sẻ với nhiều hoạt động khác nhưng lợi ích cho trẻ em vẫn phải được coi trọng vì “trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”“. Sự quan tâm của các cấp chính quyền là rất cần thiết để đảm bảo cho các em có nơi vui chơi an toàn.
Thu Trang - Hoàng Dương