Đại diện Sở Xây dựng cho biết, việc lắp đặt nhà vệ sinh công cộng thông minh nằm trong chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh cộng cộng.
Mẫu ToiletSmartPublic được vận hành thử nghiệm các tính năng và công dụng thông minh, thiết kế theo tiêu chuẩn nhà vệ sinh ASEAN (ASEAN PulicToilet Standard 2016) phù hợp với điều kiện thành phố Hà Nội. Nhà vệ sinh công cộng thông minh sẽ lắp thiết bị ứng dụng các công nghệ tự động hóa.
“Nếu được các sở, ban, ngành của Hà Nội chấp thuận, phê duyệt, Công ty Vinasing sẽ lựa chọn mẫu nhà vệ sinh công cộng thông minh này để thay thế các nhà vệ sinh cũ tại các điểm trung tâm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mẫu chế tạo này cũng là mẫu nhà vệ sinh lưu động tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ sự kiện chính trị, quốc tế diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Giá thành để lắp đặt nhà vệ sinh này đắt gấp đôi so với nhà vệ sinh thông thường”, đại diện Công ty Vinasing thông tin.
Đầu năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố thông tin: Hà Nội sẽ lắp đặt và đưa vào sử dụng 1.000 nhà vệ sinh công cộng vào năm 2020 bằng nguồn vốn xã hội hóa do Công ty Vinasing đảm nhận. Công trình vận hành theo hình thức nhà đầu tư quản lý, vận hành trong thời gian 10 năm sau đó chuyển giao cho các đơn vị của thành phố quản lý. Tuy nhiên, việc vận hành gặp khó khăn do vấp phải sự phản đối của người dân ở một số khu vực lắp đặt.
Công ty Vinasing đã bàn giao cho Hà Nội 100 nhà vệ sinh công cộng. Do đó, đại diện kỹ thuật của Sở Xây dựng Hà Nội kỳ vọng, việc lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng thông minh sẽ khắc phục những nhược điểm của nhà vệ sinh cũ.