Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, chất lượng chỉ số AQI giờ lúc 7h là 199, xấp xỉ ngưỡng tím. Hơn 60 điểm quan trắc của PAMAir sáng nay hầu hết ở ngưỡng tím và đỏ. Đáng chú ý, một số điểm đo đã lên tới ngưỡng nâu, ngưỡng nguy hại như điểm đo tại Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội) lúc 4 giờ sáng, chỉ số AQI là 346; điểm đo ở Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chỉ số AQI lúc 7h lên tới 302, chỉ số AQI tại điểm đo Phú Thượng (Tây Hồ) lúc 5 giờ sáng lên ngưỡng 373.
Nhiều điểm đo khác đều ở mức tím như Hàng Quạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) AQI là 279, điểm đo Phạm Tuấn Tài (Cầu Giấy, Hà Nội) AQI ở mức 261...
Còn theo ghi nhận của hệ thống đo AirVisual, sáng 11/12, Hà Nội đứng thứ 3 trong top thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI là 297.
Với chất lượng không khí như trên, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp được khuyến cáo nên ở trong nhà, những người còn lại hạn chế ra đường. Mọi người nên dừng hoạt động tập thể dục buổi sáng ngoài trời, đóng các cửa lưu thông gió, ra đường đeo khẩu trang chống bụi mịn.
Đây là đợt ô nhiễm không khí tiếp theo trong nhiều đợt ô nhiễm không khí từ cuối tháng 8 đến nay. Trong đó, đợt ô nhiễm giữa tháng 11 ghi nhận chỉ số AQI lên ngưỡng nâu, là mức nguy hại cao nhất trong ô nhiễm không khí với khuyến cáo tất cả mọi người nên ở trong nhà.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được xác định do tổng hợp nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó hoạt động đốt rác, rơm rạ. Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.
Các chuyên gia dự báo, từ nay đến tháng 3 năm sau, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục.