Sau một năm triển khai tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát ở 8 quận, huyện gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và huyện Đan Phượng, kết quả đạt được rất khả quan.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 94,69% cơ sở dịch vụ ăn uống tại các quận, huyện thí điểm đã niêm yết công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết an toàn thực phẩm và nguồn gốc thực phẩm; 85,5% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, tăng 51,3% so với trước khi can thiệp giám sát; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sử dụng nguồn nước sạch.
Việc triển khai các tuyến phố trên đã cung cấp địa chỉ tin cậy cho người dân sử dụng dịch vụ ăn uống, đồng thời nâng cao hình ảnh, uy tín của địa phương.
Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình còn gặp khó khăn như: Một số cơ sở kinh doanh có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất; chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng. Một số cơ sở chỉ hoạt động vào buổi tối hoặc đêm, có cơ sở lại đóng cửa, khai trương mới, đổi chủ kinh doanh. Một số thực phẩm chưa có nguồn gốc rõ ràng, cập nhật phiếu giao nhận thực phẩm, sổ ghi chép nguồn gốc nguyên liệu chưa đầy đủ. Nhiều người tiêu dùng chưa có thói quen bỏ giấy ăn vào thùng rác tại quán ăn, gây mất vệ sinh chung…
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, để triển khai thành công mô hình an toàn thực phẩm có kiểm soát, năm 2019, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, công tác tuyên truyền, vận động cần được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia của người dân.
Cán bộ y tế ngoài việc nắm chắc quy định phải kiên trì, có kỹ năng tư vấn, hướng dẫn thuyết phục chủ cơ sở cải tạo, sửa chữa bố trí nơi chế biến đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và phù hợp với không gian cơ sở. Công tác thanh, kiểm tra phải được đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục hơn, xử lý nghiêm đối với cơ sở vi phạm để làm gương.