Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội việc chủ động rà soát, khoanh vùng các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ; qua rà soát bước đầu, Sở LĐTBXH Hà Nội đã xác định có hơn 50.000 hộ nghèo, cận nghèo, hơn 88.000 người có công và hơn 182.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết: Đối tượng người có công, bảo trợ xã hội do ngành LĐTBXH kê khai, chi trả; đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do do UBND cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kê khai và chi trả; đối tượng tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) do cơ quan BHXH đảm nhận….
Do các nhóm đối tượng người có công, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, lao động có hợp đồng đều có số lượng cụ thể, nên sẽ chi trả sớm. Theo đó, các đối tượng thụ hưởng từ chính sách BHXH sẽ nhận được sự hỗ trợ trong tháng 4; đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo sẽ nhận được sự hỗ trợ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020.
“Lao động tự do sẽ là nhóm đối tượng phức tạp nhất và có thể nhận được sự trợ giúp muộn hơn. Hiện nhóm đối tượng này đang đợi hướng dẫn từ Trung ương”, ông Dân cho biết.
Cũng theo ông Dân, việc khoanh vùng đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể sẽ được tiến hành thông qua sự phối hợp liên ngành, liên địa phương để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo.
Ông Nguyễn Đình Tiên, Trưởng phòng LĐTBXH quận Đống Đa cho biết: Các nhóm đối tượng như người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội thì quận đã có số liệu, bởi đây là đối tượng chi trả hàng tháng. Cụ thể, đối tượng người có công của quận là 4.017; đối tượng bảo trợ xã hội là 3.807 người; hộ nghèo là 259; hộ cận nghèo là 233.
“Khó khăn nhất là rà soát nhóm đối tượng lao động tự do. Hiện có 6 nhóm đối tượng đã được định danh là: Người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô; người bán lẻ vé số lưu động; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Nhưng khó khăn nhất là nhóm đối tượng khác (quận huyện căn cứ đề xuất thực tế địa phương), chẳng hạn như đối tượng trên 80 tuổi bán xôi vỉa hè, bán hàng nước, hay nhóm lao động di cư. Do đó, đây chỉ là khảo sát ban đầu của địa phương để khoanh vùng đối tượng. Đối tượng này hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều tra, khảo sát của tổ dân phố, phường. Những đối tượng này cần giấy tạm trú, nếu lĩnh trợ cấp tại nơi lưu trú thì phải có giấy xác nhận không lĩnh tại địa phương nơi đi”, ông Tiên chia sẻ.
Theo nhận định của các địa phương, khó khăn nhất là nhóm đối tượng lao động tự do, hay còn gọi là lao động di cư. Do đó, việc rà soát này cần sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, ban ngành và quan trọng nhất là có ứng dụng công nghệ thông tin để phân tách, lọc các đối tượng này trên hệ thống dữ liệu quản lý dân cư.