Trước thực trạng này, người dân, chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ nhằm sớm ổn định đời sống.
Khi nước lũ bắt đầu rút dần, bà Nguyễn Thị Sửu ở thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ) đã bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa và sắp xếp ngư lưới cụ. Những ngày qua, nước lũ dâng cao đã gây ngập các khu dân cư nên bùn đất, rác thải đã tràn vào sân, vườn các hộ dân.
Bà Nguyễn Thị Sửu cho hay, hôm nay thời tiết nắng lên, nước bắt đầu rút dần nên gia đình tập trung nhân lực để dọn dẹp. Với tinh thần nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó nhằm tránh ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
Tại xã Quang Vĩnh, những ngày qua nước lũ đã gây ngập úng ở nhiều nơi. Ngay sau khi hết mưa, nước rút xuống bà con khẩn trương dọn dẹp để tránh tình trạng rác thải ùn ứ gây ra dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trường Sinh, trưởng thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh) cho biết, trước đây, đời sống của người dân trong thôn rất khó khăn, đặc biệt mùa mưa bão, lũ lụt bà con rất lo lắng vì bị ngập úng. Vì thế từ năm 2023, một nhà văn hóa cộng đồng để tránh trú bão được xây dựng. Đồng thời, 24 hộ gia đình trong thôn được tái định cư vào những ngôi nhà tránh lũ cao ráo, kiên cố, an toàn hơn. Nhờ vậy, trong đợt lũ vừa qua nước chủ yếu gây ngập sân vườn, cây cối, những nhà nào thấp mới bị tràn vào nhà. Sau khi nước rút, thôn đã huy động toàn bộ nhân dân dọn vệ sinh và phun thuốc khử độc để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh thông tin, chính quyền xã đã phối hợp với lực lượng công an, bộ đội tập trung dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường lớp học, trạm y tế. Tuy nhiên lượng bùn khá lớn nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số dụng cụ dạy học sau nhiều ngày ngâm trong nước đã bị hư hỏng.
Trong đợt lũ vừa qua, tại huyện Đức Thọ có 30 hộ dân ở hai xã Quang Vĩnh, Bùi La Nhân và thị trấn Đức Thọ bị nước vào nhà. Trong đó, có 17 hộ tại thôn Bãi Đình, xã Quang Vĩnh bị cô lập. Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão ở thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh nước vào ngập sân, ngoài ra hơn 42km đường giao thông ở các xã Quang Vĩnh, Bùi La Nhân, Tùng Châu, Lâm Trung Thủy, Tùng Ảnh bị ngập cục bộ. Hiện, công tác khắc phục thiệt hại sau bão và vệ sinh môi trường vẫn được các địa phương gấp rút triển khai.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết, sau khi mưa lũ rút, chính quyền huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả sau lũ lụt; đồng thời, tiến hành vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng, cung cấp nước sạch để ổn định đời sống người dân. Cùng với đó, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông, đảm bảo lương thực. Về lâu dài, chính quyền tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và chính sách của Đảng, Nhà nước để xây dựng thêm các ngôi nhà cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phòng, chống thiên tai của người dân.
Còn tại huyện Hương Sơn, đến ngày 25/9 vẫn còn 8 trường học với hơn 1.300 học sinh chưa thể đến trường do bị ngập và giao thông chia cắt; trong đó có 1 trường trung học cơ sở và 7 điểm trường mầm non tại các xã Sơn Tiến, Kim Hoa.
Cô giáo Trần Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Hoa cho biết, từ ngày 20/9, nhà trường đã cho học sinh nghỉ học. Trong đêm, mưa lớn, nước dâng cao gây ngập úng toàn sân trường và một số lớp học tầng 1. Đến ngày 22/9, khi mực nước rút, giáo viên cùng phụ huynh đã phối hợp dọn vệ sinh. Tuy nhiên, chiều tối cùng ngày, trên địa bàn lại tiếp tục có mưa to và gây ngập lần thứ 2. Do nước rút chậm nên khoảng vài ngày tới nhà trường mới có thể tổ chức lại việc học. Hiện, tranh thủ thời tiết nắng ráo, giáo viên cùng phụ huynh đã tất bật dọn dẹp với phương châm nước rút đến đâu, dọn dẹp vệ sinh đến đó.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đã bị ảnh hưởng. Tại huyện Can Lộc gió giật mạnh làm đổ 37m tường rào, hư hỏng khoảng 1,8km hệ thống điện chiếu sáng đường, ngập lụt 1,5 ha nuôi trồng thủy sản. Huyện Vũ Quang có hơn 1,55 ha ngô ở xã Đức Liên, Hương Minh, Đức Hương bị thiệt hại; 10 ha mía tại xã Thọ Điền bị ngập. Tại huyện Nghi Xuân có gần 70ha hoa màu, 40ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập úng; tuyến đê Hội Thống, xã Xuân Hội tiếp tục bị sạt lở ăn sâu vào bờ 3m, chiều dài 80m.