Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại cuộc đối thoại. |
Tính đến nay, Cẩm Giàng đã đạt được 5/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới. Còn 4 tiêu chí khó khăn là quy hoạch, y tế-văn hóa-giáo dục, an ninh trật tự và tiêu chí môi trường. Huyện còn 4 xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới là Cẩm Phúc, Lương Điền, Cẩm Vũ, Ngọc Liên.
Tại cuộc đối thoại, các ý kiến đã tập trung những vướng mắc của các xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới, những bất cập về hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện, chế độ phụ cấp cho những người kiêm nhiệm nhiều chức danh tại xã, thôn và khu dân cư…
Theo ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Vũ, tỉnh cần có cơ chế đặc thù cho các xã khó khăn, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn lực cho xã hoàn thành những tiêu chí khó cần kinh phí lớn là trường học, nhà văn hóa.
Ông Nguyễn Trọng Thanh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lai Cách đề nghị tỉnh sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt. Đại diện xã Đức Chính đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ, xúc tiến thương mại đối với cây cà rốt là nông sản chủ lực của xã Đức Chính và Cẩm Văn.
Đại diện xã Cẩm Hưng phát biểu tại cuộc đối thoại. |
Ông Nguyễn Quang Sáng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Cẩm Giàng thông tin, hiện nay tiêu chí về cơ sở vật chất trường học ở nhiều nơi trong huyện còn rất khó khăn, năm học 2016-2017, toàn huyện thiếu 60 phòng học. Riêng cấp mầm non đang xảy ra tình trạng quá tải. Đây là hệ quả của việc dân số cơ học tăng nhanh do Cẩm Giàng có nhiều khu công nghiệp thu hút ngày càng nhiều công nhân. Ông Sáng đề nghị tỉnh cần tăng cường đầu tư kinh phí để thực hiện đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia, ưu tiên hỗ trợ cho các xã có nhiều diện tích đất bị thu hồi bàn giao cho các khu công nghiệp
Ghi nhận những ý kiến của cán bộ và nhân dân Cẩm Giàng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành trả lời thỏa đáng.
Ông Hiển đề nghị các sở, ban, ngành cần tiếp tục nỗ lực việc cải cách hành chính, cụ thể là đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận, tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất kinh doanh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức tốt các đề án về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung đã được tỉnh phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nghiên cứu đánh giá, khảo sát và đề xuất cách thực hiện tốt hơn, lưu ý phân định rõ loại đất xen kẹp, dôi dư.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan cùng với các huyện có khu công nghiệp, có các thôn, khu dân cư có hiện tượng tăng dân số cơ học đột biến làm khảo sát, đánh giá và dự báo tình hình tăng số học sinh trong những năm tới, từ đó đưa ra những đề xuất giải pháp. “Dứt khoát phải có cơ chế đặc thù để giải quyết cho những địa phương này. Giáo dục chỉ là một phần, còn nhiều vấn đề về an sinh xã hội khác cũng cần phải nghiên cứu để đưa ra cách phương pháp quản lý xã hội cần thiết”, ông Hiển nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi đối thoại. |
Liên quan tới đề nghị tỉnh nâng mức kinh phí hỗ trợ cho địa phương để thực hiện tiêu chí cơ sở hạ tầng, ông Hiển đề nghị huyện tổng kết đánh giá các cơ chế chính sách của tỉnh đã được ban hành đối với từng lĩnh vực, báo cáo cụ thể với lãnh đạo tỉnh, từ đó tỉnh sẽ có sự cân đối lại nguồn lực và có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho Cẩm Giàng có thể về đích nông thôn mới trong năm 2018.
Những năm qua, việc xây dựng nông thôn mới ở Hải Dương đã được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh với bước đi phù hợp, từ đó đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ban đầu mới triển khai, tiến độ thực hiện của tỉnh còn chậm.
Bằng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, điển hình là cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các xã, các huyện đăng ký hoàn thành nông thôn mới và cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, việc xây dựng nông thôn mới ở Hải Dương từ năm 2015 đã có chuyển biến rõ nét.
Đến nay, tỉnh Hải Dương đã có 146 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, có huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh cũng đã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hải Dương đặt mục tiêu có thêm 1 huyện và 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.