Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, gần đây có cơ quan báo chí lại cho rằng nội dung văn bản của UBND tỉnh về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công có xử lý khí thải, lò liên tục kiểu đứng và lò hopman (lò vòng) trên địa bàn tỉnh "ngược" với thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cùng nội dung chỉ đạo...
Trao đổi với phóng viên TTXVN vào chiều 3/10 vừa qua liên quan nội dung nêu trên, ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Thực ra việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Hải Dương được đặt ra từ năm 2011. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, không phải chủ lò gạch nào cũng thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh.
Lò gạch thủ công đang nhả khói ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: Tiến Vĩnh-TTXVN |
Để sớm chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công, không chỉ UBND mà Tỉnh ủy Hải Dương cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như Thông báo 105-TB/TU “về chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch sét nung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015” với nội dung là đình chỉ hoạt động và yêu cầu tháo dỡ các cơ sở sản xuất gạch (không kể công nghệ tuynel) vi phạm các quy định của UBND tỉnh trước ngày 30/6/2011; Thông báo 1248-TB/TU với nội dung chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trước ngày 31/12/2015...
Sau nhiều thời gian xem xét kiến nghị của các chủ lò gạch và người dân, ngày 14/6/2016, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương có báo cáo số 45 về kết quả kiểm tra. Tiếp đó, Tỉnh ủy Hải Dương đã ra Thông báo số 274-TB/TU ngày 5/8/2016 thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương do đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy ký, nêu rõ các loại hình lò gạch thủ công trên địa bàn gồm lò thủ công có xử lý nước thải, lò gạch liên tục kiểu đứng và lò hopman. Thông báo này cũng yêu cầu UBND tỉnh và chính quyền các địa phương, các sở, ngành chức năng cho dừng ngay hoạt động sản xuất và tháo dỡ các lò gạch thủ công các loại trên địa bàn tỉnh.
Nội dung các văn bản trên cho thấy ý chí thống nhất của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương và lộ trình cụ thể trong việc xử lý lò gạch thủ công các loại trên địa bàn nhằm đảm bảo đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất cho người dân chứ không như một số cơ quan báo chí thông tin.
Thực tế cho thấy, lò gạch thủ công các loại trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã và đang gây bức xúc về môi trường cũng như lãng phí một lượng lớn tài nguyên đất (Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm gần 200ha đất sản xuất nông nghiệp đã bị khai thác để đóng gạch). Theo chỉ đạo, thời hạn cuối cùng chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn Hải Dương đã quá 7 tháng nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 165 lò gạch: gồm 124 lò liên tục kiểu đứng, 39 lò thủ công có xử lý khí thải (lò úp vung) và 2 lò hopman (lò vòng). Hiện 93 lò đã dừng đốt và vẫn còn 72 lò hoạt động với số lượng gạch mộc còn tồn là 179,66 triệu viên.