Hãi hùng đông dược giả nhập lậu

Đợt kiểm tra được Vụ Y dược cổ truyền phối hợp với Cục Quản lý dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương thực hiện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương. Các đoàn kiểm tra đã lấy gần 400 mẫu dược liệu tại 70 cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền.


Thuốc đông dược ngày càng bị làm giả nhiều. Ảnh minh họa.





Tràn ngập thuốc giả


Kết quả kiểm nghiệm đợt đầu với tổng số 193 mẫu cho kết quả gây hãi hùng, có tới 66% số mẫu không đạt chỉ tiêu, chất lượng so với tài liệu Dược điển Việt Nam, 20% số mẫu khác có sự nhầm lẫn giữa các loại dược liệu, bị trộn lẫn hóa chất độc hại, nhuộm màu hoặc giả mạo. Nhìn chung các mẫu dược liệu này đều có hàm lượng hoạt chất rất thấp.

Trao đổi với báo chí, TS. Trần Thị Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền cho biết, những vị thuốc hay bị làm giả, trộn hóa chất và chứa nhiều tạp chất nhất bao gồm: Bá tử nhân, Tế tân, Viễn chí, Hòe hoa, Uy linh tiên, Tần giao, Kim ngân hoa… Nhóm dược liệu hay bị trộn tạp chất, chất nhuộm màu như Bạch linh, Hồng hoa, Thỏ ty tử… đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Qua một số kiểm nghiệm ban đầu đã xác định được vị thuốc Thỏ ty tử có trộn xi măng hoặc chất vô cơ; trong thành phần Bạch linh có đến 80% là cacbonat; vị thuốc Hồng hoa phát hiện có trộn hóa chất nhưng tên hóa chất chưa xác định cụ thể. Đáng quan tâm, cả 3 vị Bạch linh, Hồng hoa, Thỏ ty tử được sử dụng rất thường xuyên cho bệnh nhân.


Nguy hại khôn lường

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thuốc đông dược giả mạo có nguồn gốc từ Trung Quốc được sử dụng tràn lan tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), không gì khác ngoài lợi nhuận. Nhiều năm nay, nguồn dược liệu có nguồn gốc Trung Quốc vẫn được “tuồn” qua biên giới để vào nội địa nước ta với số lượng rất lớn mà chưa được kiểm soát, trong khi nước ta có nguồn dược liệu khá dồi dào và vô cùng phong phú về chủng loại. Chẳng hạn như có nguồn nhập sử dụng vị Hòe hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hơn nữa, ngay cả những loại đông dược mà trong nước không có hoặc chỉ có ở Trung Quốc như Bạch linh, trong đông y vị này cũng hoàn toàn có thể thay thế bằng vị thuốc khác trồng trong nước với tác dụng tương đương…

Bên cạnh đó, trình độ kiến thức của các y bác sĩ đông y còn nhiều yếu kém, khả năng phân biệt thuốc đông dược thật và giả còn hạn chế cũng là nguyên nhân giúp cho thuốc đông dược giả từ Trung Quốc xâm nhập. TS. Phương cho biết, các loại thuốc đông dược giả mạo ngày càng được làm rất tinh vi, rất khó nhận biết. Đơn cử như, trước đây muốn phát hiện Bạch linh giả chỉ cần ngâm vào nước thì sẽ thấy vị tan nhanh chóng, song hiện nay phía nhà buôn rất tinh vi đã trộn canxi cacbonat vào Bạch linh để cho vị này không tan trong nước khi thử.

Vụ Y dược cổ truyền cảnh báo, việc sử dụng các thuốc đông dược giả mạo, nhuộm hóa chất, chứa chất độc hại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường. Trường hợp nhẹ sẽ bị ảnh hưởng chức năng gan, thận, nếu dùng lâu dài sẽ gây suy gan, suy thận, ung thư… Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành khẩn trương tiến hành kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc đông y trong các đơn vị khám chữa bệnh và báo cáo về Bộ trước ngày30-10-2012.



Theo Anninhthudo.vn

Hà Nội thu thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc
Hà Nội thu thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc

Chiều tối 6/3, Đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục QLTT HN) phối hợp cùng Đội 6, Phòng Cảnh sát Môi trường (CA HN) đã phát hiện số lượng lớn thuốc giảm cân và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại số nhà 16 ngõ 107 đường Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN