Gia đình các lao động đến Báo Thanh Niên kêu cứu. Ảnh: thanhnien.com.vn. |
Ông Nguyễn Đức Việt, cán bộ quản lý lao động của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị trực tiếp đưa lao động sang Malaysia cho biết: Đại diện Công ty đã gặp và thanh lý hợp đồng cho anh Đặng Tuấn Linh. Dự kiến ngày 20 hoặc 21/11, anh Nguyễn Văn Giang và Vũ Văn Thuấn sẽ về nước. Tuy nhiên, Công ty chưa có phương án cụ thể về việc đền bù, thanh lý hợp đồng đối với anh Giang và anh Thuấn.
Theo thông tin của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương, sau khi người nhà của 3 lao động nói trên có đơn kêu cứu, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra, tìm hiểu sự việc và có văn bản báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo văn bản này, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Dương nhận thấy: “Chi nhánh Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo quốc tế Sài Gòn không được phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định” và “Công ty cổ phần tập đoàn FLC - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm Quy định về tuyển chọn và quản lý lao động, vi phạm quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Không thực hiện việc ký hợp đồng cung ứng lao động với đối tác Malaysia và đăng ký hợp đồng cung ứng lao động với Cục Quản lý Lao động ngoài nước – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo quy định”.
Sở đã đề nghị Bộ xem xét, có hình thức xử lý đối với Công ty cổ phần tập đoàn FLC và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đã có hành vi đưa người lao động tỉnh Hải Dương đi làm việc tại Malaysia không đúng quy định.
Trước đó, ngày 9/9/2011, các anh Nguyễn Văn Giang, Đặng Tuấn Linh và Vũ Văn Thuấn (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) sang làm việc tại Malaysia, cho Công ty Putra Perdana Construction SDN.BHD theo diện xuất khẩu lao động trong 3 năm. Họ được đối tác của Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo quốc tế Sài Gòn là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đưa sang Malaysia.
Sang đến nơi, những lao động này được bố trí công việc không như thỏa thuận, phải ở trong một phòng gồm 30 người là lao động các quốc tịch khác nhau, điều kiện ngột ngạt, nhiều người dị ứng; họ bị cảnh sát bắt giữ, bị nhóm xã hội đen trấn lột, luôn trong tâm trạng hoảng sợ.
Người nhà của những lao động này đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng và báo chí trong nước. Các lao động này cũng trực tiếp gửi đơn tới Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Sở dĩ anh Giang và anh Thuấn đến nay chưa về nước được bởi bị mất hộ chiếu.
Mạnh Minh (
TTXVN)