Ông Vũ Hoài Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đảo Cát Hải cho biết: Huyện triển khai xây dựng nông thôn mới tại 6/9 xã. Từ năm 2016, các xã xây dựng nông thôn mới của Cát Hải đã được thành phố Hải Phòng công nhận đạt chuẩn.
Các chỉ tiêu về nông thôn mới đạt kết quả đáng ghi nhận như: Sự định hướng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp, trong đó có quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thế mạnh và lợi thế của huyện. Tại Cát Hải đã hình thành vùng sản xuất cam Gia Luận quy mô 20 ha, vùng sản xuất ngao Phù Long với 32 ha, hình thành các thương hiệu chung của huyện như: Dê núi Cát Bà, mật ong hoa rừng Cát Bà. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã.
Để hoàn thành huyện nông thôn mới, năm 2019, huyện Cát Hải tiếp tục đầu tư để hoàn thành theo tiêu chuẩn một số hạng mục trọng điểm như: Trường Trung học Phổ thông Cát Bà, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Cát Hải.
Tại huyện An Dương, có 9 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới và 5 xã hoàn thành các tiêu chí đánh giá, xét công nhận năm 2018. Như vậy, 15/15 xã của huyện An Dương đã về đích nông thôn mới hoặc hoàn thành các tiêu chí đánh giá chờ công nhận.
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở An Dương tạo nên những chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong huyện. Do thực hiện tốt công tác quy hoạch, dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi mô hình sản xuất từ cây lúa truyền thống sang trồng hoa, cây cảnh, đến nay, xã Đồng Thái và Đặng Cương đã trở thành nơi trồng hoa Đào, hoa Hải Đường nổi tiếng của khu vực miền bắc.
Những kết quả trên tạo tiền đề vững chắc để 2 huyện Cát Hải và An Dương tiếp tục thực hiện mục tiêu huyện về đích nông thôn mới trong năm 2019.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, năm 2019, thành phố sẽ bổ sung vốn đầu tư công xây dựng nông thôn mới cho 2 huyện Cát Hải, An Dương. UBND huyện An Dương, huyện Cát Hải cần tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể từng tiêu chí, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện. Chủ động sử dụng nguồn vốn thành phố cấp để đầu tư các công trình hạ tầng huyện nông thôn mới.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, thành phố có 7 huyện với 139 xã tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2018, toàn thành phố có 89 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 70 xã đã được công nhận đạt chuẩn, 19 xã đang tổ chức đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn.
Năm 2019, Hải Phòng phấn đấu 139/139, đạt 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và 2 huyện Cát Hải, An Dương trở thành huyện nông thôn mới.
Để đạt mục tiêu này, thành phố Hải Phòng sẽ bố trí vốn đầu tư công với 790 tỷ đồng để các đơn vị tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, cơ sở vật chất, văn hóa, môi trường.
Bên cạnh vốn đầu tư công, thành phố khuyến khích các đơn vị chủ động đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện chương trình; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn, tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường. Công khai các khoản đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện.
Đối với các xã đã đạt chuẩn về nông thôn mới cần tiếp tục triển khai các giải pháp để giữ vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí về nông thôn mới, nhất là tiêu chí về sản xuất, thu nhập, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự xã hội. Thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Ngoài Cát Hải, An Dương, các huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch, giải pháp phân kỳ thực hiện cụ thể danh mục các công trình để sớm hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới.