Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 3 tại âu cảng Bạch Long Vĩ. Ảnh: Văn Thủy/TTXVN phát |
Đây là các hộ dân thuộc khu vực trũng thấp ven biển, các chung cư cũ yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Như tại quận Lê Chân, mặc dù là quận trung tâm thành phố Hải Phòng nhưng chính quyền địa phương đã phải di dời hơn 560 hộ dân đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Trọng Đại, phát ngôn viên Ủy ban nhân dân quận Lê Chân cho biết: Các hộ dân phải di dời trên địa bàn quận chủ yếu là các hộ cư trú trong các khu nhà tập thể cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn; các hộ dân đang ở khu nhà tạm, cấp 4 cũ khác. Đến 14h ngày 19/8, các phường sẽ di dời nốt các hộ dân còn lại đến nơi an toàn.
Các phương tiện lưu thông khó khăn do ngập úng tại khu vực trung tâm quận Đồ Sơn (Ảnh chụp lúc 18h30). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, đến 19h ngày 18/8 các phương tiện địa phương vào nơi trú tránh an toàn. Đến 5h ngày 19/8, đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, di dời số lồng bè, chòi canh và người trên các lồng bè, chòi canh vào nơi trú tránh bão. Các địa phương tổ chức lực lượng khơi thông dòng chảy, giải tỏa vật cản trên các tuyến kênh trục chính, tăng cường hiệu quả tiêu nước.
Các trạm bơm tiêu úng trên toàn hệ thống đã được vận hành thử đảm bảo sẵn sàng hoạt động. Các Công ty khai thác công trình thủy lợi đã chủ động hạ thấp mực nước đệm trong hệ thống, nhằm giảm lượng nước cần tiêu khi có mưa lớn trong bão. Công tác bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, đến 9h ngày 19/8, các địa phương đã tổ chức hoành triệt 25 cửa khẩu qua đê và 31 cống xung yếu.
Các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố có kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài các vật tư, phương tiện, hơn .000 người đã được huy động sẵn sàng xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.