Hàm lượng asen trong nước ngầm quá lớn

Theo thông báo kết quả quan trắc năm 2011 của Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nước-Bộ Tài nguyên và Môi trường, mực nước ngầm và chất lượng nước dưới đất tại Đồng bằng Bắc bộ và Đồng bằng Nam bộ đang suy giảm. Do đó, các cơ quan quản lý tài nguyên nước ở những khu vực này cần thực hiện các giải pháp quản lý và khai thác một cách phù hợp.



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Từ kết quả quan trắc này, Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nước đã đưa ra cảnh báo: Ở Đồng bằng Bắc bộ, tại một số điểm quan trắc mực nước đã hạ thấp sâu gần tới mực nước hạ thấp cho phép như Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội. Một số nơi như vùng Hải Hậu - Trực Ninh - Nam Định, Quỳnh Phụ - Thái Bình, mực nước hạ thấp tuy vẫn ở mức an toàn, nhưng do tầng chứa nước có điều kiện thủy địa hóa phức tạp, nên cần đặc biệt chú ý để tránh xâm nhập mặn do khai thác nước quá mức gây ra.


Vào mùa khô, lấy mẫu phân tích 7/7 mẫu đều có hàm lượng Amôni cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Hàm lượng Amôni đặc biệt lớn đến 23,30 mg/l (gấp 233 lần tiêu chuẩn cho phép) phát hiện tại công trình quan trắc ở Tân Lập - Đan Phượng - Hà Nội. Vào mùa khô còn có 17/32 mẫu có hàm lượng Mangan (Mn) vượt quá hàm lượng TCCP; có 4/32 mẫu có hàm lượng Asen (As) vượt TCCP, hàm lượng As cao nhất là 0,1500 mg/l (gấp 3 lần TCCP) tại công trình Q.58a (Hoài Đức - Hà Nội)…


Tại Đồng bằng Nam bộ, ở một số điểm quan trắc mực nước cũng đã hạ thấp sâu, vào khoảng tiệm cận với mực nước hạ thấp cho phép, nhất là ở khu vực quận 12, quận Bình Tân – TP. Hồ Chí Minh. Tuy vậy, mực nước hạ thấp cho phép một số chỗ còn ở mức an toàn, do tầng chứa nước có chiều dày lớn, nằm sâu nhưng có điều kiện thủy địa hóa phức tạp, nên các cơ quan quản lý khai thác cần chú ý để tránh xâm nhập mặn do khai thác nước gây ra. Có hai chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép tồn tại trong nước ngầm vùng Đồng bằng Nam Bộ là Mangan (Mn) và metan (CH4+).


Riêng vùng có tầng nước ngầm khá an toàn là vùng Tây Nguyên. Tổng hợp kết quả quan trắc từ 18 công trình cho thấy, mực nước thấp nhất ở khu vực này là vào tháng 4 và cao nhất vào tháng 10. Tại các công trình quan trắc, kết quả phân tích mẫu nước cho kết quả chất lượng nước vùng Tây Nguyên tương đối tốt, chưa thấy dấu hiệu ô nhiễm nước dưới đất. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong nước dưới đất hầu hết đạt tiêu chuẩn cho phép, trừ Mangan (Mn). Ở 13,04% mẫu (mùa khô) và 4,35% mẫu (mùa mưa) hàm lượng Mangan (Mn) cao hơn tiêu chuẩn cho phép.


Dự báo vùng Hà Nội mực nước tháng 6/2012 tại công trình Q.64a (Trung Tự - Đống Đa) là 25,46m, tháng 12/2012 là 25,56m; tại công trình Q.63a (Mai Dịch - Từ Liêm), mực nước tháng 6/2012 là 28,45m và tháng 12/2012 là 28,66m. Vùng Nam Định có mực nước tháng 6/2012 tại công trình Q.109a (Trực Phú - Trực Ninh) là 10,15 m và vào tháng 12/2012 là 10,25m. Vùng Thái Bình mực nước tháng 6/2012 tại công trình Q.159b (An Bài - Quỳnh Phụ) là 4,81m và vào tháng 12/2012 là 4,95m.


Vùng TP. Hồ Chí Minh: Dự báo tại quận Tân Bình mực nước tháng 6 và tháng 12 năm 2012 tại công trình Q015030 - phường An Lạc lần lượt là 33,26m và 3 4 , 0 6m; quận 12- mực nước tại công trình Q011340 - phường Tân Chánh Hiệp lần lượt là 29,73m và 3 0, 27m; tại công trình Q019340 - phường Đông Hưng là 40,63m và 41,56m. Vùng Cà Mau mực nước tháng 6 và tháng 12 năm 2012 tại công trình điển hình Q19904T - TT Năm Căn, Ngọc Hiển lần lượt là 13,02m và 13,33m. Vùng Sóc Trăng tại công trình Q598030 (Phường 3, TP Sóc Trăng), dự báo mực nước tháng 6 và tháng 12 năm 2012 lần lượt là 9,63m và 9,81m./.


Văn Hào
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN