Những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa nhanh, tốc độ dân số gia tăng…, tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trở lên nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân địa phương. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được triển khai tích cực, từng bước hạn chế tình trạng ô nhiễm.
Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Hiện nay 24/29 quận, huyện của Thủ đô Hà Nội nằm trong phạm vi ảnh hưởng của môi trường sông Nhuệ và sông Đáy. Hàng ngày, hàng giờ, người dân phải đối mặt với ô nhiễm.
Với chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp tài nguyên và bảo vệ môi trường, Sở TN & MT Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô, trong đó Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được quan tâm hàng đầu. Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành phối hợp với những cơ quan liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Đồng thời triển khai, hướng dẫn hàng chục nghìn gia đình sinh sống dọc tuyến đầu nguồn sông Tô Lịch dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước thải tại nguồn, trước khi thải ra sông.Nhờ đó, chất lượng nước sông đầu nguồn được cải thiện, giảm đáng kể mùi hôi khó chịu…Việc quan trắc đánh giá chất lượng và lưu lượng xả thải tại các cửa xả thải trực tiếp vào sông Nhuệ, sông Đáy được thực hiện hàng năm. Qua đó, phát hiện nồng độ ô nhiễm và chỉ đạo kịp thời các địa phương tìm giải pháp khắc phục. Các dự án, kế hoạch xử lý ô nhiễm nước sông, hồ khu vực nội thành; nước thải khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề đã được đầu tư xây dựng, trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động mang lại kết quả khả quan đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy. Đến nay, một số hồ nội thành liên quan tới sông Nhuệ đã được cải tạo và xử lý ô nhiễm; trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Phú Nghĩa đã đi vào hoạt động; đồng thời cải tạo, nạo vét 1 km đoạn đầu sông Nhuệ, khơi thông 15 tuyến kênh tiêu chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy…Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đúng pháp luật. Đối với 19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (những cơ sở này nằm trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy), Sở đã đôn đốc, triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Đến nay, 19 cơ sở trên đã được rút ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Để môi trường sông Nhuệ - sông Đáy xanh - sạch - đẹp bền vững, Sở TN & MT Hà Nội phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ làm tốt công tác tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản pháp luật bảo vệ môi trường; đặc biệt là các chương trình, dự án thuộc Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy từ năm 2011 đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vê môi trường, nhất là môi trường trên lưu vực; tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên trên toàn lưu vực sông Nhuệ - Đáy; phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường sông Nhuệ - Đáy…
Tuy nhiên, trong khi triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về Cơ chế , chính sách còn nhiều bất cập, các thủ tục đầu tư phức tạp khiến tiến độ triển khai các dự án còn chậm…; nguồn kinh phí đầu tư cho dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy chưa được ưu tiên… đã phần nào ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.
Bình Minh