Chiếc bánh mì ăn dở của bốSinh ra trong một gia đình thuần nông tại quê lúa Thái Bình, ngay từ nhỏ, Hoàn đã cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ. Hoàn kể, ngày đó, bố em làm công việc chuyển và bốc dỡ hàng hóa cho một doanh nghiệp nhỏ. Mỗi buổi chiều muộn trở về nhà, bố luôn mang về cho hai anh em Hoàn vài chiếc bánh mì nhỏ. “Lúc đó, em chỉ sung sướng vì nhận được quà mà không hiểu hết được sự vất vả của bố mẹ. Mãi sau này em mới biết, chiếc bánh mì đó không phải bố em mua sau mỗi buổi chiều đi làm về mà đó là một phần bữa trưa của bố. Công việc nặng nhọc, mà bữa trưa vẻn vẹn với những chiếc bánh mì bố cũng để dành cho em”, Hoàn xúc động nhớ lại.
Hoàn cảnh khó khăn đã thôi thúc cậu học trò nhỏ quyết tâm học tập thật tốt để giúp đỡ bố mẹ. Không đủ tiền đi học thêm, Hoàn thường tự tìm tài liệu ở thư viện nhà trường, mượn tổ hợp các đề thi của khóa trên... tự học ở nhà thông qua chiếc máy tính cũ của người bác để lại cho. “Khi muốn tìm hiểu, hay lấy bài tập từ phần nào em thường lên thư viện tìm sách về toán đọc, tra cứu mạng Internet các tài liệu, bài học liên quan đồng thời em cũng tìm đến các trang web về toán học của nước ngoài để lấy tài liệu bởi trên đó có khá nhiều cách giải, bài toán hay và thú vị”, Hoàn cho biết.
Học THCS chỉ ở trường huyện nhưng Nguyễn Thế Hoàn quyết định nộp đơn dự thi vào lớp 10 của 3 trường chuyên gồm THPT chuyên Thái Bình, THPT chuyên - ĐH Sư phạm Hà Nội và THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN). Thật bất ngờ khi cùng một lúc Hoàn đỗ 3 trường và cuối cùng Hoàn đã chọn THPT chuyên Khoa học Tự nhiên làm đích đến. Động lực của em ngày đó rất đơn giản. “Đó là một bài báo có nhắc lại về thành công của giáo sư Ngô Bảo Châu - một người con của gia đình truyền thống chuyên Toán Tổng hợp - sau là ngôi trường em đã theo học. Đối với một cậu học sinh đam mê Toán học trong những năm phổ thông thì đó như một hình mẫu để chúng em theo đuổi”, Hoàn tâm sự.
Bố mẹ phụ hồ nuôi con ăn họcCuộc đời Hoàn bước sang một ngã rẽ mới khi nhận được giấy báo trúng tuyển lớp Toán 1 của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Ước mơ của Hoàn đã thành sự thật nhưng bố mẹ em lại đối mặt với nỗi lo tài chính khi để con lên Hà Nội nhập học. Ba sào ruộng cấy lúa quanh năm chẳng đủ nuôi 4 miệng ăn chứ chưa nói đến việc đóng học phí, mua sắm đồ cho cậu con trai đang tuổi lớn. Ngày Hoàn nhập trường cũng là lúc bố mẹ em rời làng quê, khăn gói lên thủ đô đi làm thợ xây, phụ hồ.
Nguyễn Thế Hoàn được chào đón trong vòng tay của người thân cùng các bạn tại Sân bay Quốc tế Nội Bài sau khi đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic toán quốc tế năm 2015. |
“Công việc này đem lại thu nhập hàng tháng cho gia đình khoảng 6 - 7 triệu đồng. Mọi thứ đều phải tiết kiệm vì ngoài lo việc học hành cho Hoàn ở trên này còn phải gửi tiền về quê cho ông bà chăm lo cho cậu em trai của Hoàn. Dù vất vả, khó khăn nhưng cũng có thu nhập khá hơn ở quê. Bên cạnh đó, cũng được gần gũi giúp đỡ con”, bà Nguyễn Thị Thảnh, mẹ của Hoàn cho biết.
Do tính chất công việc nên hai vợ chồng thường đi theo ăn, ngủ ở công trình. Con ở kí túc xá trên đường Lương Thế Vinh, nên thi thoảng vào những buổi tối được nghỉ làm, anh Hòa cùng vợ lại sang ký túc xá trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên thăm con.
“Bố mẹ thậm chí còn không có lấy một căn nhà trọ thuê để ở mà chỉ sống tạm trong những lán trại. Có hôm trời nắng chang chang, đã quá 12 giờ trưa nhưng bố mẹ vẫn phải làm việc. Công việc nặng nhọc, nhìn bố mẹ mồ hôi chảy ướt cả áo, em chỉ muốn bật khóc”, Hoàn kể lại.
Những giọt mồ hôi mặn chát của bố mẹ đã được đền đáp. Ba năm cấp 3, Hoàn đã giành giải Học sinh giỏi Quốc gia, rồi mang về những tấm Huy chương Vàng tại những kì thi Olympic Toán quốc tế. Hoàn gọi đó là những thành công ngoài sức tưởng tượng. “Sự thành công đó không phải đến từ cá nhân em. Đó là sự thành công của một tập thể đã luôn luôn ở bên em trong những lúc khó khăn để động viên, chia sẻ và tiếp thêm động lực - đặc biệt là bố mẹ, những người thân yêu nhất của em”, Hoàn khẳng định.
“Nhất định sẽ trở về cống hiến cho quê hương”Với những huy chương vàng tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế, Hoàn được tuyển thẳng lớp cử nhân khoa học tài năng Toán học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội). Tiền học bổng hàng tháng cộng với tiền gia sư đã giúp em trang trải một phần sinh hoạt phí, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Thế nhưng, sợ con vất vả nên bố vẫn vào trong miền Nam làm thuê còn mẹ và em trai làm ruộng ở quê để đảm bảo cuộc sống và học tập cho Hoàn. Vì thế, suy nghĩ thường trực của Hoàn là phải học thật giỏi, có môi trường học tập tốt hơn và thành đạt để có điều kiện chăm sóc cho bố mẹ.
Ước mơ được đi du học Mỹ, trở thành một nhà nghiên cứu toán học để báo đáp công ơn của bố mẹ là điều mà Hoàn luôn trăn trở. Bên cạnh tiếp tục miệt mài với niềm đam mê toán học, Hoàn đang rèn luyện tiếng Anh tại Học viện IvyPrep theo chương trình học bổng được trao năm 2014.
Cô Hà Hồng Nhung, giáo viên dạy tiếng Anh của Hoàn tại Học viện IvyPrep chia sẻ: "Ngoài sự thông minh, Nguyễn Thế Hoàn còn cho người khác thấy cách làm việc và suy nghĩ khoa học. 'Tinh thần Toán' được em thể hiện khá rõ nét trong những giờ học tiếng Anh. Em hay dùng các ký hiệu của Toán học khi phải ghi tốc ký trong giờ luyện nghe. Ở những bài luận, Hoàn luôn thể hiện tư duy logic, lối suy nghĩ mạch lạc".
Chia sẻ với phóng viên về kế hoạch sau khi học xong ở nước ngoài, liệu em sẽ về nước để cống hiến hay tiếp tục ở lại để xây dựng sự nghiệp, Hoàn cho biết, cả hai con đường trên đều có thể đóng góp cho đất nước. Bởi, dù ở đâu thì những thành tựu nghiên cứu đều trở thành tri thức chung của nhân loại. Đặc biệt, trong thế giới mở như hiện nay thì việc bạn ở đâu không ảnh hưởng đến mong muốn và khả năng đóng góp cho quê hương. “Nhưng với riêng em, chắc chắn em sẽ trở về nước bởi ở đây có những người em thương yêu nhất. Đó là bố mẹ, là gia đình em”, Nguyễn Thế Hoàn tâm sự.