Tại buổi làm việc, ông Lê Tấn Dũng đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thời gian qua, nhất là việc tổ chức sản xuất nông nghiệp tại các khu vực bị xâm nhập mặn bằng hệ thống đê bao, khoanh vùng sản xuất hiệu quả. Cùng với đó, Hậu Giang thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhất là hệ thống giao thông nông thôn bị ảnh hưởng hạn mặn, góp phần đáp ứng đối phó các loại hình thiên tai.
Thời gian tới, Hậu Giang cần quan tâm ứng phó sạt lở bờ sông, giông lốc, sét, xâm nhập mặn; các loại thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn gây ảnh hưởng dân sinh thời gian qua. Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hậu Giang đều khá sát thực, tuy nhiên tỉnh cần nêu chi tiết hơn trong kiến nghị. Đoàn công tác ghi nhận những kiến nghị của tỉnh, có những kiến nghị rất cấp thiết như việc thực hiện cột thu thiên lôi trên địa bàn, do là khu vực đồng bằng thường có người thiệt mạng vì bị sét đánh.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó ban phụ trách thiên tai Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, cho biết Hậu Giang tiếp tục chủ động ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Cụ thể, tỉnh nâng cao tính chủ động của các ngành, các cấp và người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Quán triệt thực hiện có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Cùng đó là nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất. Nâng cao ý thức cán bộ, công chức, viên chức và người dân để phát huy tính tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai. Xây dựng nhiều mô hình và cách làm hay trong công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” như: đập ngăn mặn cải tiến, trạm bơm cải tiến, cống cải tiến, kè sinh thái chống sạt lở, trạm đo mặn tự động.
Để đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang kiến nghị Trung ương sớm phê duyệt quy hoạch về thuỷ lợi; phòng chống thiên tai cho Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp cho từng vùng, miền, trong đó cần kế thừa các công trình hạ tầng thủy lợi đã được đầu tư trước đây. Hỗ trợ địa phương xây dựng các dự án hồ chứa nước ngọt trên cơ sở tận dụng các sông tự nhiên cấp 1 có sẵn. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ kênh; hỗ trợ tỉnh kinh phí thực hiện Đề án Di dời dân cư cấp bách do thiên tai và đê bao sông Mái Dầm huyện Châu Thành với kinh phí 395 tỷ đồng. Trung ương cần khảo sát, đánh giá vùng thường xuyên xảy ra sét đánh hỗ trợ tỉnh xây dựng hệ thống thu lôi chống sét đánh trên địa bàn tỉnh và khu vực để đảm bảo tính mạng người dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai cho cả vùng, khu vực. Cần thành lập Trung tâm quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi cho khu vực Tây sông Hậu nhằm kiểm soát ranh mặn tốt hơn.
Thời gian qua, nước mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh Hậu Giang có nồng độ cao nhất đo được là 18,3 ‰ (ngày 07/4/2020), so với năm 2016 đo được cao nhất là 16,7 ‰ (ngày 3/5/2016); thấp nhất trên sông Cái Côn, huyện Châu Thành đo được là 4,2‰ (ngày 11/2/2020), so với năm 2016 đo được cao nhất là 3,0‰ (ngày 9/2/2016).
Về sạt lở, đến cuối tháng 8/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 45 điểm; so với cùng kỳ tăng 2 điểm; với tổng chiều dài hơn 1,1 km, diện tích mất đất gần 6.000m2; ước tổng thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Dông lốc làm nhà sập 64 căn; tốc mái 245 căn; ứơc thiệt hại gần 4,5 tỷ đồng; so với cùng kỳ thiệt hại năm 2019 tăng hơn 2 tỷ đồng. Tổng thiệt hại từ đầu năm đến nay là gần 7 tỷ đồng; so với cùng kỳ thiệt hại năm 2019 tăng hơn 2 tỷ đồng.