TP Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi tái định cư (TĐC). Chính sách thu hồi đất tạo mặt bằng cho các dự án và chính sách bán nhà TĐC cũng chưa có sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng.
Bài 1: Khó khăn chồng chất
Trong khi quỹ nhà tái định cư của TP Hồ Chí Minh đang còn thừa hàng nghìn căn, nhưng tại nhiều địa phương vẫn có hàng nghìn hộ dân phải sống tạm cư trong những căn nhà nhếch nhác được làm từ ván ép, lợp mái tôn. Thực tế này cho thấy, giữa chính quyền và người dân chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải tỏa thu hồi đất.
Người dân lo nợ
Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi có mặt tại khu vực phường An Phú, quận 2, và chứng kiến cảnh: Chỉ cách nhau một con đường, nhưng một bên là những dãy nhà chung cư tái định cư (TĐC) nằm trong chương trình 12.500 căn hộ TĐC khang trang, hiện đại và một bên là khu trú ngụ của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đô thị mới Thủ Thiêm với mái tôn lụp xụp từ nhiều năm qua.
Chung cư tái định cư phường An Phú, quận 2, TP Hồ Chí Minh. |
Khi hỏi nhiều hộ dân đang sinh sống tại khu nhà tạm cư vì sao không chọn mua căn hộ khang trang bên phía bên kia mà vẫn phải chịu đựng cảnh sống tạm bợ, chật hẹp, thì chúng tôi nhận được câu trả lời: Mặc dù đã được chính quyền giới thiệu mua những căn hộ chung cư TĐC nhưng họ không dám mua vì mức giá bán quá cao so với số tiền bồi thường mà họ nhận được. Đó là chưa kể đến những khó khăn khi họ phải tìm kế sinh nhai và hàng loạt những khoản phí dịch vụ mỗi tháng mà họ phải trả khi về nơi ở mới.
Bà Nguyễn Thị Tám, sống trong căn nhà tạm cư chỉ vỏn vẹn hơn 10 m2 buồn rầu cho biết: “Tôi sống ở khu nhà tạm này hơn 3 năm. Dù được vận động nhiều lần nhưng tôi cũng không bao giờ đồng ý mua căn hộ chung cư đối diện. Tôi không biết phải kinh doanh buôn bán như thế nào khi về sống trong căn nhà mới. Và mặc dù nhiều hộ dân trên kia đang sống trong điều kiện nhà ở khá tốt nhưng họ đang ‘ngồi trên đống lửa’ vì không biết cách nào để trả hết số tiền nợ khi mua căn hộ”.
Ông Võ Ngọc Long vẫn còn nợ 200 triệu đồng khi về chung cư An Phú. |
Còn trong căn hộ bài trí khá đẹp mắt, ông Võ Ngọc Long, ngụ tại số 10-09, lô J chung cư TĐC phường An Phú trầm ngâm: “Trước đây, tôi sống tại phường Bình Khánh, quận 2. Thực hiện chủ trương di dời để thực hiện dự án đô thị mới Thủ Thiêm, tôi nhận tiền đền bù và mua căn hộ này cách đây 2 năm. Tôi thấy cũng khá hài lòng với chất lượng căn hộ, điều kiện sống tốt hơn so với nơi ở cũ, được ở nơi khô ráo, thoáng mát và không phải chịu cảnh ngập đường, nhà mỗi khi triều cường. Thế nhưng nghĩ đến khoản nợ 200 triệu đồng thì lại thấy ngán ngẩm cho mình. Cả hai vợ chồng tôi đều là hưu trí với lương hưu ít ỏi nên việc trả nợ rất khó khăn”.
Theo những hộ dân đang sinh sống tại chung cư TĐC phường An Phú, số tiền mà ông Long nợ chẳng đáng bao nhiêu bởi có những hộ nợ đến gần 700 triệu đồng. Ông Nguyễn Tiến Hịnh, ngụ tại căn hộ số 09 - 20, lô J cho rằng: “Chính sách đền bù hỗ trợ theo Quyết định 135/2002 UBND TP không quá 3,6 triệu đồng/m2 và không thấp hơn 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên khi chúng tôi mua căn hộ chung cư này phải trả từ 4,9 - 5,6 triệu đồng/m2. Chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng thấy số nợ là bao nhiêu trên 1 m2. Điều đáng nói hơn là có rất nhiều cư dân đang sống trong chung cư khang trang như thế này trước đây kiếm cơm từng bữa bằng nghề ‘buôn gánh bán bưng’ và nay cũng vậy. Với họ, việc gồng gánh số nợ như thế thực sự là quá sức”.
Cuộc sống chưa tốt hơn
Vừa qua, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát đối với 498 hộ mẫu ở 8 quận, huyện trong tổng số 4.962 hộ có đất bị thu hồi tại 11 quận, huyện của 104 dự án và đã được bồi thường theo Quyết định số 35. Nhóm khảo sát thực hiện đánh giá về việc làm và thu nhập, tình trạng nhà ở, điều kiện sống và môi trường sống, thụ hưởng chính sách của những hộ này.
Kết quả khảo sát cho thấy, chất lượng cuộc sống của một bộ phận lớn người dân sau TĐC ít nhiều có giảm sút. Rõ nhất là sự giảm sút về thu nhập. Cụ thể, thu nhập bình quân/tháng của hộ tại thời điểm khảo sát thấp hơn 1,2 triệu đồng so với trước khi di dời; 57% số người dân cho biết, thu nhập hiện tại bằng mức thu nhập cũ; 14% có mức thu nhập cải thiện vì có tiền đền bù gửi ngân hàng lấy lãi; 29% có thu nhập giảm sút do không có mặt bằng kinh doanh.
Theo khảo sát, chất lượng một số khu TĐC hiện nay chưa đảm bảo khi chưa có đường vào các lô. Hệ thống trạm y tế, trường học, chợ, thang máy, cây xanh... còn thiếu, chưa đồng bộ. Đơn cử như khu dân cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh vừa đưa vào sử dụng chưa được một năm đã xuống cấp. Theo nhiều hộ dân sinh sống tại đây, mặc dù được đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, nhưng nhiều khu vực đã xuất hiện vết nứt, sụt lún tại một số chân móng.
Bài và ảnh:Anh Đức - Hoàng Tuyết
Bài cuối: Cần thêm những giải pháp