Hãy dang rộng vòng tay khi con sa sảy

Trong gia đình, người mẹ bao giờ cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của con cái. Khi con ốm đau, mẹ nâng niu chăm sóc. Khi con có niềm vui mẹ chia sẻ ngợi khen. Khi con “vấp ngã” mẹ là người dang rộng vòng tay sẵn lòng chia sẻ “nỗi đau mất mát”. Nhưng cũng có người mẹ, thấy con mắc sai lầm cho là “đồ bỏ đi” và buông xuôi trách nhiệm.


Xin được bắt đầu bằng trường hợp của chị Mai. Con gái chị mới học lớp 9 mà “phổng phao” lớn trước tuổi, nên tâm sinh lý cũng phát triển hơn bạn bè trang lứa. Nhiều lần chị bắt gặp con ghi nhật ký rất khuya, hoặc đứng trước gương cười một mình, hoặc hay nói gì đó lảm nhảm khó hiểu. Sau một thời gian thấy con khác lạ, bụng thì to, cổ cao lều nghều. Hỏi con, con cứ ậm ờ giải thích. Đem con đến tư vấn sức khỏe bà mẹ trẻ em, té ra có bầu. Chị Mai hốt hoảng xanh mặt. Thay vì động viên tìm hiểu nguyên nhân, giải tỏa tâm lý cho con, thì chị lại cáu gắt chửi bới thậm chí dọa sẽ mách cô giáo! Cô bé sợ không biết bấu víu vào đâu. Tỉnh giận, chị Mai tâm sự “lúc bực tức thì chửi con vậy thôi chứ người mẹ nào làm thế. Nhưng đây là cú sốc lớn đối với gia đình tôi. Tôi ân hận vì những ngày qua do mải mê kiếm tiền không chăm lo việc học hành, gần gũi theo sát con, nên mới ra nông nỗi này. Trách nhiệm cũng phần lớn do tôi”. Chị Mai sụt sùi nước mắt.


Chia sẻ với con sau những sai lầm (ảnh minh họa).


Trường hợp của chị Loan gần giống như chị Mai, nhưng chị đã cư xử tốt bằng tất cả tình thương yêu trách nhiệm và sự cương quyết. Con gái chị bị tên “Yêu râu xanh” mà chị gọi là chồng và con gái chị gọi là cha dượng làm chuyện đồi bại, để lại tâm lý rất căng thẳng cho con. Sau “sự cố”, bé Lan Anh con chị sốt liên tục và mê sảng phải nhập viện. Được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, cùng với tình thương yêu của mẹ, cháu Lan dần dần hồi phục tâm lý nhưng không dám về nhà sợ gặp dượng. Chị Loan đã cương quyết ly hôn với tên chồng thiếu nhân tính kia và một mình nuôi con.


Hay như chị Ước, có con trai nghiện ma túy. Nhà một mẹ một con, chồng chết sớm. Chị mải mê với việc kiếm tiền làm giàu, mà theo chị là “để sau này cho con đỡ khổ”. Ngờ đâu, đợt khám nghĩa vụ quân sự vừa qua, con chị bị trả về vì lý do không đủ sức khỏe. Thấy con ngày càng xanh xao lầm lì ít nói. Tìm hiểu thì… ôi thôi nó đã nghiện thuốc phiện. Chị đau đớn tưởng chừng gục ngã khi biết con nhiễm HIV. Chị nghĩ, việc đã đành, tức giận chẳng có ý nghĩa gì, chi bằng động viên con làm việc tốt mà trước mắt là cai nghiện và giữ gìn sức khỏe. Chị khóc: “Bây giờ tôi chỉ sống vì con, chẳng thiết gì”.

Công việc kiếm tiền, chị dẹp hết một bên dồn tâm dồn sức lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ. Chị tham gia hội tuyên truyền chống HIV/AIDS của tỉnh và động viên con cùng đi. Được mẹ động viên chia sẻ, nỗi đau của cậu con trai 19 tuổi vơi dần và thấy cuộc sống còn nhiều ý nghĩa miễn là mình sống có ích hơn cho xã hội…


Thế đó, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau. Chị Mai, chị Loan, chị Ước đều là người mẹ thương con , nhưng cách “xử lý” của mỗi người lại khác. Chị Mai giận dữ khi biết hung tin. Chị Loan bình tĩnh “xử lý” đâu vào đấy. Chị Ước sẻ chia cảm thông sâu sắc với con…


Người mẹ luôn là điểm tựa tinh thần vững bền để con chia sẻ buồn vui.


Đứng ở góc độ của người mẹ nhìn nhận khi mình có con hư thì không ai không khỏi xót xa, thậm chí có phần bực tức. Song cũng cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc nuôi dậy con cái. Bởi trong gia đình, người mẹ là “cột cái” không chỉ công việc nội trợ mà còn là người “bảo mẫu” cho các con. Khi con lầm lỡ thì chính người mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con, dang rộng vòng tay đón con với tất cả tình mẫu tử thiêng liêng và trách nhiệm chứ không phải ai khác. Người mẹ vừa là chỗ dựa tinh thần cho con khi con có niềm vui, vừa là “bến bờ” để con cái dãi bày mọi nỗi âu lo trăn trở khúc mắc trong cuộc sống, về tâm sinh lý của chúng. Chẳng đứa con nào khi lỡ lầm không dúi đầu vào lòng mẹ để tâm sự dãi bày, để được mẹ răn dạy, chở che…


Cuộc sống hiện đại, người mẹ cũng bận với trăm công nghìn việc, nhất là những mẹ làm việc ở cơ quan sự nghiệp hành chính, thì lại càng ít có thời gian để lo toan dạy bảo con cái hơn. Nhiều khi sự thay đổi của con mẹ cũng không biết. Song thời nào cũng thế, thiên chức của người mẹ không hề thay đổi. Bên cạnh công việc xã hội, việc nội trợ và nuôi dậy con cái cũng vô cùng quan trọng. Người mẹ bao giờ cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc và luôn dang rộng vòng tay đón con khi chúng lầm lỡ.


Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN