Loay hoay phân loại rác tại nguồn
Trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu đã bàn thảo nhiều vấn đề nóng về dân sinh và cũng đề ra các giải pháp.
Đại biểu Trần Quang Thắng (quận 8) cho biết, công tác xử lý và thu gom rác hiện nay của TP Hồ Chí Minh còn nhiều bức xúc. Cụ thể, mỗi ngày thành phố thải ra hàng chục tấn rác và giải pháp xử lý phổ biến đang áp dụng hiện nay là chôn lấp. Tuy nhiên, giải pháp này không hiệu quả cho không khí và nguồn nước. Việc tràn nước từ rác gây thiệt hại về hoa màu cho các hộ dân xung quanh và phát sinh mùi hôi từ bãi rác Đa Phước, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giuộc – tỉnh Long An. Vì vậy, thành phố cần chọn giải pháp xử lý rác thải một cách hiệu quả nhằm giữ gìn tốt vệ sinh môi trường.
“Đối với việc doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm, chúng ta cần xử phạt thật nặng. Trước tiên, để nâng cao ý thức người xả rác thải; thứ hai là răn đe những DN khác không vi phạm. Đối với người dân, khi xả rác thải cũng cần có chế tài xử phạt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, đại biểu Trần Quang Thắng đề nghị.
Đại biểu Võ Văn Tân cho rằng thời gian qua, vấn đề xử lý, phân loại và thu gom rác tại nguồn hiện nay còn chưa tốt. Nhiều đường dây rác dân lập chưa được UBND phường, xã, thị trấn quản lý chặt, dẫn đến việc họ muốn làm gì thì làm.
“Vừa qua, thành phố đã ban hành quy định về phân loại rác thải – rác thải phân hủy và không phân hủy. Đây là điều kiện tiền đề để xây dựng nhà máy xử lý rác phân hủy thành phân bón hữu cơ sử dụng cho nông nghiệp, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu để tái chế sản phẩm cho các ngành sản xuất khác. Vì thế, cần quản lý chặt rác thải phân lại tại nguồn thì việc xử lý rác mới đạt hiệu quả về lâu dài, có như vậy mới xây dựng một thành phố xanh đang hướng đến”, đại biểu Võ Văn Tân kiến nghị.
Trả lời vấn đề xử phạt khi xả rác thải ra môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ TN-MT điều chỉnh quy định để xử phạt hành vi xả rác bừa bãi. Hiện việc theo dõi, trích xuất dữ liệu qua camera để xử phạt hành vi xả rác đang được sở xây dựng tiến hành theo quy trình và Sở Tư pháp đang tham mưu thẩm định.
“Qua hơn 1 năm thực hiện phân loại rác tại nguồn đã đạt nhiều kết quả. Đã có 4 HTX và 20 công ty thu gom rác được thành lập, nâng số lượng đơn vị tham gia thu gom rác tại nguồn là 16 hợp tác xã và 80 công ty. Các đơn vị đã xây dựng các trạm trung chuyển đồng bộ với phân loại rác tại nguồn. Dù vậy, hiệu quả chưa được như kỳ vọng do các địa phương thực hiện không đồng bộ, tuyên truyền chưa hiệu quả cũng như triển khai hệ thống thu gom riêng thành 2 loại vẫn còn chậm… Do đó, trong thời gian tới Sở sẽ tập trung điều chỉnh điều kiện hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập để quản lý chặt chẽ, trong đó đặt yêu cầu phải thu gom rác phân loại tại nguồn. Vận động chuyển đổi loại hình thu gom rác dân lập thành hợp tác xã để họ đầu tư công nghệ, chuyển đổi phương tiện thu gom, tránh tình trạng người dân phân loại rác xong, nhưng đến khi thu gom lại gộp chung các loại rác với nhau”, ông Thắng cho biết thêm.
Ngăn chặn tận gốc tín dụng đen
Các đại biểu cũng đặt ra vấn đề làm sao xử lý triệt để vấn nạn tín dụng đen? Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn: "Tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn còn diễn biến phức tạp, tình trạng đòi nợ thuê vẫn xảy ra, gây lo lắng với người dân. Điều đáng nói những vụ việc này chỉ mới dừng ở xử phạt vi phạm hành chính, ít băng nhóm bị khởi tố hình sự. Trong khi đó, nhu cầu vay của người dân có thật, vì vậy lực lượng chức năng có giải pháp gì với vấn đề này, nhất là việc băng nhóm núp bóng doanh nghiệp đòi nợ thuê…"
Đồng quan điểm với đại biểu Tố Trâm, đại biểu Tăng Hữu Phong nói: "Phải ghi nhận, sau khi lực lượng chức năng vào cuộc, tình trạng tín dụng đen đã bớt gay gắt nhưng vẫn còn diễn ra. Hậu quả của tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội đen kèm theo các hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần đã gây hoang mang dư luận, thậm chí ảnh hưởng tính mạng người dân. Vì vậy, các ngành chức năng cần có thông tin đầy đủ về những kết quả đã làm được cũng như nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm để giải quyết vấn đề này giúp người dân an tâm hơn".
Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, ông Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh. cho biết sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh tình hình về tín dụng đen, công an thành phố đã lên kế hoạch chuyên đề về công tác này. Trong đó, phân công lực lượng theo dõi các đối tượng có dấu hiệu cho vay tín dụng đen, kiến nghị Bộ Công an có hướng xử lý hình sự các đối tượng gây hậu quả nghiêm trọng. Tiếp cận các tờ rơi quảng cáo, thu thập tìm hiểu mối liên hệ giữa các tổ chức có liên quan đến hoạt động cho vay và đối tượng có dấu hiệu đòi nợ thuê để kịp thời ngăn chặn tận gốc, chứ không chờ khi xảy ra vụ việc mới xử lý. Nhờ những cách làm trên mà từ đầu năm đến nay, số vụ liên quan đến xã hội đen giảm 20%; tình hình vi phạm quyền công dân, nhân phẩm người dân như tạt chất bẩn vào nhà, nhắn tin đe dọa…đả giảm 22%; và cũng có một số vụ đã xử lý hình sự…
Theo ông Phong, hoạt động tín dụng đen hiện có nhiều phương thức thủ đoạn như: quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi vay tiền không gặp mặt, vay không cần thế chấp… để đối phó với cơ quan công an, hoặc ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp, chỉ cần giữ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người vay, không làm hợp đồng… Khi cơ quan công an thu thập tài liệu sẽ không có bằng chứng về việc cho vay, mượn tiền.
"Khi đến vay tiền thì người vay buộc phải ký giấy bán xe cho họ, sau đó người vay phải ký hợp đồng thuê lại chính tài sản trên để sử dụng… Do đó, người dân cần tỉnh táo tránh xa các hình thức cho vay nặng lãi dưới các hình thức vay không cần thế chấp, không gặp mặt. Bởi một khi đã vay thì khó thoát ra và trả hoài không hết, dẫn đến bị đe dọa dòi nợ theo kiểu xã hội đen", ông Phong cảnh báo.