Từ khi thủy điện Cần Đơn, Thác Mơ tích nước, nhiều con đường đi rẫy quen thuộc của người dân bị chia cắt khiến họ phải đi đường vòng xa hơn, có nơi hàng chục cây số. Bởi vậy, để tiết kiệm thời gian, chi phí họ đã mạo hiểm sử dụng những chiếc xuồng hoặc xuồng gắn máy nổ. Do địa hình cách trở, để đến trung tâm các xã, người dân cũng phải sử dụng đò ngang để qua lòng hồ.
Đò của người dân vận chuyển hàng hóa, người và xe máy qua hồ thủy điện. |
A Điểu Hùng, thôn Sơn Trung, xã Đức Hạnh sống cạnh lòng hồ thủy điện Thác Mơ cho biết: “Sống ở khu vực gần lòng hồ thủy điện Thác Mơ nên tôi thường xuyên thấy những chiếc xuồng máy chở người lẫn tài sản tròng trành rất nguy hiểm, nhất là khi có gió mạnh, xuồng dễ bị lật. Trong các năm vừa qua, cũng đã có nhiều vụ lật xuồng dẫn đến chết người”.
Nằm rải rác nhiều điểm của lòng hồ thủy điện Thác Mơ, có rất nhiều xuồng nhỏ được gắn máy nổ với công suất cao chở người dân đi làm rẫy hoặc đánh bắt cá. Nhiều chủ phương tiện không có giấy phép hoặc phụ nữ, trẻ em cũng có thể cầm lái, chở người và hàng hóa qua hồ không đảm bảo an toàn.
"Từ xã Phú Văn (Bù Gia Mập) đến xã Bom Bo (huyện Bù Đăng), do muốn đi đường tắt gần hơn nên tôi đi đò. Vài lần thấy không an toàn mỗi khi có gió nên giờ tôi không dám đi xuồng, phải chọn đi đường vòng dù xa hơn trên chục cây số", anh Hồng Khanh, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập chia sẻ.
Hiện một số bến đò thuộc lòng hồ thủy điện Thác Mơ cũng đã cấp phép đủ tiêu chuẩn để đò ngang vận chuyển người, phương tiện, tài sản qua lòng hồ. Theo cơ quan chức năng địa phương, các đơn vị trên các địa bàn vẫn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con cần chủ động mặc áo phao để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhưng một số người dân vẫn thiếu ý thức phòng tránh.
Trong thời gian vừa qua, ngành chức năng của tỉnh B ình Phước đã liên tục kiểm tra, rà soát việc lưu thông trên các lòng hồ thủy điện nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Năm 2016, lực lượng chức năng đã đình chỉ 4 bến đò hoạt động không phép.