Nhiều điểm chưa hợp lý
Dịp đầu năm 2016, người dân Thủ đô Hà Nội thất vọng với nhiều mô hình trang trí đường phố như: dàn hoa lạ tại đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; dàn hoa hồng giả quá chói mắt, không phù hợp trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dàn đèn trang trí lòe loẹt, nhiều màu sắc trên các tuyến phố lớn… Trước phản ứng của dư luận, Sở VHTT đã phải cho dỡ dàn hoa lạ tại đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và tìm kiếm mô hình trang trí hợp lý hơn. Nhiều chuyên gia nhận xét, việc trang trí của Hà Nội thời gian gần đây quá lạm dụng đèn led, gây ô nhiễm ánh sáng và phản cảm.
Việc trang trí một số tuyến đường bị cho là lòe loẹt. |
Theo họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tại một số khu vực trong phố cổ, việc giăng đèn qua đường không hợp lý. “Buổi tối có màu sắc còn đỡ, chứ buổi sáng cả dàn đèn trên đầu thì không ổn. Về màu sắc thì cần bớt đi xanh, đỏ, tím, vàng. Các nước trên thế giới, họ tận dụng ngay mặt phố để điểm xuyết thêm vào. Hiện việc trang trí tập trung khu nội thành, nhưng quan điểm của tôi nên hướng về khu vực Hà Nội mở rộng. Thực tế, khu vực trung tâm vốn nhiều nhà cửa, giao thông đi lại như mắc cửi, nên việc trang trí thêm vào chỉ tạo cảm giác rối mắt”, họa sỹ Trần Khánh Chương chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, họa sỹ Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng: “Việc trang trí tại đường phố Hà Nội đang lạm dụng ánh sáng, rối mắt. Như việc trang trí xung quanh hồ Hoàn Kiếm nhiều tầng lớp ánh sáng trông như một sân khấu, lấn át vẻ đẹp tự nhiên”.
Còn theo họa sỹ Nguyễn Mai, việc trang trí không đúng cách đã che phần lớn vẻ đẹp của các công trình kiến trúc, không hài hòa.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội thừa nhận quy trình trang trí Thủ đô trước đây không lấy ý kiến của chuyên gia, công chúng, nên đã nhận được phản ứng trái chiều. “Trước đây việc trang trí giao cho nhiều đơn vị như Sở Xây dựng, Giao thông, các quận, huyện. Tuy nhiên, từ 1/1/2016, việc trang trí đường phố giao về “một mối” là Sở VHTT để triển khai quy củ, chuyên nghiệp hơn”, ông Tô Văn Động khẳng định.
Hài hòa với bối cảnh
Theo Sở VHTT, việc tổ chức thi thiết kế các hình thức tuyên truyền và trang trí thành phố Hà Nội nhằm tìm ra mẫu trang trí phù hợp cho các sự kiện của năm 2016 như: 71 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô, 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, chào đón năm mới 2017. Những địa điểm trang trí gồm: Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Đông Kinh Nghĩa Thục, Tượng đài Lý Thái Tổ, nút giao thông Cửa Nam, Ngân hàng Nhà nước…
Ông Tô Văn Động cho biết: “Cuộc thi nhằm chọn các mẫu thiết kế phù hợp theo từng chủ đề. Hằng năm, cuộc thi sẽ được tổ chức để hoàn thiện hơn việc trang trí khu vực trung tâm, cũng như khu vực Hà Nội mở rộng”.
Ông Trần Khánh Chương cho rằng, cuộc vận động mà Sở VHTT đang triển khai là một động thái tích cực, nhằm giúp hình ảnh Thủ đô đẹp hơn. Thực tế, Hà Nội từng phát động mẫu thiết kế các cửa ô, nhưng do có nhiều ý kiến khác nhau, nên đến nay vẫn không triển khai được. Do đó, cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố có thể là cuộc “thử nghiệm” để hoàn thiện các năm sau. Các thiết kế do đó cần đặt trong bối cảnh cụ thể với tỷ lệ phù hợp, có bản phối cảnh các không gian xung quanh. Sản phẩm trang trí hài hòa bối cảnh xung quanh, nhằm tôn thêm giá trị vốn có và không cản trở giao thông.
Theo ông Tô Văn Động, thời gian tới, Hà Nội sẽ hạn chế sử dụng những mẫu trang trí treo ngang đường, giăng trên đầu người đi đường vì gây nguy hiểm cho giao thông. Những mẫu thiết kế của các họa sĩ khi đoạt giải chưa được sử dụng ngay, mà Sở VHTT sẽ tổ chức một cuộc trưng bày lấy ý kiến người dân và giới truyền thông. Mẫu thiết kế nào nhận được nhiều sự đồng tình nhất mới được đưa vào ứng dụng cho việc trang trí Hà Nội.