Với mục tiêu chia sẻ khó khăn với những người bị bệnh mù loà, giúp họ có cơ hội được thấy ánh sáng, nhiều năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Hải Hậu đã đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký, hiến tặng giác mạc tại Nam Định.
Bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: TTXVN |
Ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hải Hậu cho biết: Hoạt động tuyên truyền, vận động hiến giác mạc ở Hải Hậu diễn ra trong điều kiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cùng với các văn bản liên quan của Chính phủ về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã và đang đi vào cuộc sống. Hoạt động tuyên truyền vận động hiến máu, hiến mô, hiến xác là một trong số 7 lĩnh vực hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp được quy định trong Luật hoạt động Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để Hội Chữ thập đỏ huyện Hải Hậu tổ chức triển khai các hoạt động phong trào.
Với tiền đề pháp lý đó, huyện Hải Hậu đã xây dựng được lực lượng cộng tác viên và tình nguyện viên gồm 150 người trực tiếp sinh sống trên địa bàn 35 xã, thị trấn là những người nhiệt tình và có kinh nghiệm trong công tác vận động nhân đạo. Từ khi bắt đầu triển khai đến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện Hải Hậu đã tổ chức 3 lớp tập huấn để trang bị kiến thức, kĩ năng tuyên truyền vận động hiến giác mạc cho các cộng tác viên và tình nguyện viên, cấp phát tờ rơi, tờ gấp tới đông đảo nhân dân; tổ chức khám bệnh nhân đạo cho nhân dân các xã có người hiến tặng giác mạc; tổ chức tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc và nêu gương người hiến giác mạc tại buổi lễ tiễn đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng… Những hình thức này đã phát huy được hiệu quả, góp phần giúp nhiều tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tặng giác mạc, chia sẻ khó khăn với những người không may mắn bị bệnh mù loà...
Sau khi được tập huấn, các cán bộ Hội Chữ thập đỏ của tỉnh Nam Định và huyện Hải Hậu cùng các cộng tác viên đã tiến hành nắm bắt, lựa chọn đối tượng để tuyên truyền, tư vấn và vận động nhân dân đăng ký hiến giác mạc. Đối tượng vận động nằm trong nhiều lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ khác nhau, trong đó có người còn khoẻ mạnh, có người đang mang bệnh trọng và thuộc nhiều thành phần trong xã hội như: Cán bộ công nhân viên chức, các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo và người dân trong cộng đồng… Khi có người đăng ký hiến giác mạc, Hội Chữ thập đỏ huyện Hải Hậu và các tuyên truyền viên hướng dẫn họ viết đơn theo mẫu của Ngân hàng Mắt thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương với sự đồng thuận của người thân trong gia đình. Tại thời điểm người đăng ký hiến giác mạc qua đời, gia đình và các cộng tác viên thông báo để Hội Chữ thập đỏ và Ngân hàng Mắt tổ chức tiếp nhận giác mạc. Việc tổ chức tiếp nhận giác mạc được tổ chức công khai, trang trọng và có sự chứng kiến của gia đình người hiến, chính quyền và nhân dân trong khu dân cư.
Hải Vân là xã đi đầu trong phong trào hiến giác mạc tại huyện Hải Hậu nói riêng và cả tỉnh Nam Định nói chung. Người đầu tiên hiến giác mạc ở xã Hải Vân là ông Lương Văn Hải, sinh năm 1954 (trú tại xóm 11). Ông Hải đã được Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khoẻ nhân dân, được Bệnh viện Mắt Trung ương trao tặng Bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp trong việc hiến giác mạc cho người mù. Từ người đăng ký hiến giác mạc đầu tiên ở xã Hải Vân năm 2014, đến nay tại huyện Hải Hậu đã có trên 50 người đăng ký hiến giác mạc, 2 người đăng ký hiến xác. Hoạt động tuyên truyền đã phát triển rộng khắp ở 35 xã, thị trấn trong huyện. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có 6 người hiến (xã Hải Vân có 4 người, xã Hải Phúc 1 người và xã Hải Minh 1 người). Những nghĩa cử cao đẹp này đã góp phần nối dài sự sống và đem lại ánh sáng cho những người bị bệnh mù loà.
Tuy vậy, do đây là hình thức vận động mới nên vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhận thức của người dân, cộng đồng và xã hội về hoạt động hiến giác mạc còn hạn chế. Bên cạnh đó, quan niệm của một bộ phận dân cư từ nhiều đời nay còn nặng nề, lực lượng cộng tác viên, tuyên truyền viên còn mỏng, hoạt động phi lợi nhuận và không có kinh phí để duy trì, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài trợ từ bên ngoài cũng như công tác xã hội hoá nên các chương trình này còn chưa chủ động.
Sau gần 4 năm tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký và hiến giác mạc, kinh nghiệm lớn nhất mà những người tham gia vận động thu nhận được đó là phải nhiệt huyết và thực sự có tâm đối với công việc mình đang làm, hiểu được tâm tư nguyện vọng của các đối tượng, đặc biệt là người cao tuổi và những người đang mắc bệnh hiểm nghèo, từ đó khơi dậy lòng nhân ái của họ để vận động họ đăng ký cũng như vận động các thành viên trong gia đình ủng hộ. Đối với những người đã đăng ký hiến giác mạc, Hội Chữ thập đỏ huyện Hải Hậu tổ chức thăm hỏi thường xuyên và gần gũi, động viên nhất là khi họ hoạn nạn, ốm đau, phối hợp và giữ cầu nối liên lạc chặt chẽ với người thân trong gia đình người đăng ký để khi họ mất kịp thời thông báo tổ chức tiếp nhận giác mạc. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi giác mạc chỉ có thể lấy và sử dụng được trong thời gian từ 8 - 10 giờ sau khi người đăng ký hiến giác mạc qua đời.
Nhờ sự cho đi không vụ lợi một phần cơ thể của những tấm lòng nhân ái mà tại Việt Nam hàng nghìn người đã được nhìn thấy ánh sáng để tiếp tục sống, cống hiến, làm những việc có ích cho xã hội. Hiến giác mạc là nghĩa cử cao đẹp mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Hiến giác mạc không phải là một sự mất mát, càng không phải là cơ thể không còn nguyên vẹn khi về cõi vĩnh hằng, mà là khởi đầu của một hành trình mới - hành trình nối dài ánh sáng và yêu thương..