Ngày 6/9, tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức hHội nghị đánh giá hiệu quả khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, Hiệp hội vận tải Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải các tỉnh phía Nam. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô của Trung tâm xử lý, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đã có những tác động tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động vận tải và đảm bảo an toàn giao thông. Nhiều vi phạm của lái xe về lỗi như phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện quá giờ quy định… đã bị phát hiện, nhắc nhở kịp thời; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của lái xe có sự chuyển biến.
Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, tính đến hết tháng 8/2014, trên hệ thống quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới tiếp nhận dữ liệu của 72.000 phương tiện của 50 đơn vị truyền về. Điều này cho thấy còn một lượng lớn các phương tiện chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Số lần vi phạm tốc độ liên tục tăng từ 1,1 triệu lần trong tháng 4, đến tháng 7 là hơn 3,8 triệu lần (tăng khoảng 2,7 triệu lần). Nguyên nhân là do trong thời gian đầu triển khai dữ liệu của các phương tiện truyền về ít và tăng dần trong các tháng gần đây.
Thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) được lắp đặt trên xe khách tuyến Hạ Long - Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN |
Tuy nhiên, số lần vi phạm tốc độ từ 10 km/h trở lên của các phương tiện có chiều hướng giảm rõ rệt (từ 33% trong tháng 4 xuống còn 26% trong tháng 7), còn lại trên 70% là vi phạm tốc độ dưới 10 km/h. Trong tháng 7, một số địa phương có tỉ lệ số phương tiện vi phạm tốc độ từ 10 km/h trở lên ở mức cao trên 40% là: An Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Đắk Lắk. Bên cạnh đó, số lần vi phạm thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc của lái xe trong thời gian qua liên tục tăng, đặc biệt là tháng 6 và tháng 7. Một số địa phương có mức tăng cao như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định.
Về xử lý vi phạm tốc độ tại các địa phương, đến nay đã có 37 Sở Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị vận tải cam kết không tái phạm hoặc xử lý thu hồi phù hiệu xe, thu hồi chấp thuận khai thác tuyến. Các Sở Giao thông Vận tải đã thu hồi phù hiệu đối với 304 xe, đình chỉ khai thác tuyến đối với 95 xe, từ chối cấp phù hiệu 4 xe.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng số liệu về số lần và tốc độ vi phạm giữa trung tâm và đơn vị cung cấp dịch vụ thiết bị giám sát hành trình hiện vẫn chưa thống nhất, gây khó khăn khi xử lý vi phạm. Một số địa phương còn xuất hiện tình trạng lái xe lắp thêm công tắc để tắt thiết bị khi phương tiện chạy quá tốc độ. Cùng với đó, nhiều Sở Giao thông Vận tải chưa kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải bằng xe ô tô qua thiết bị giám sát hành trình hoặc đã thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng không xử lý các vi phạm, đặc biệt đối với các vi phạm về tốc độ, hành trình chạy xe, thời gian lái xe.
Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa ra quy chuẩn thay thế Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô theo hướng quy định các tiêu chí kỹ thuật của thiết bị giám sát hành trình chi tiết, đầy đủ, rõ ràng hơn nhằm đảm bảo tính thống nhất và nâng cao độ chính xác của thiết bị, loại bỏ các quy định kỹ thuật không cần thiết, gây khó khăn khi áp dung thực tế.
Huỳnh Sơn