Bà Nguyễn Thị Vẽ, làng Bát vui mừng nói: Gia đình tôi có hơn 1 ha trồng chè theo mô hình sản xuất sạch, với giá bán hiện nay 45.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu gần 50 triệu đồng. Cũng theo bà Vẽ, mặc dù giá chè sạch cao hơn chè thường 15.000 đồng/kg, nhưng sản phẩm làm ra đến đâu đều được khách hàng thu mua hết.
Còn ông Đặng Văn Long, làng Bát cho biết: Ngoài việc sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn GAP, để chè thơm, ngon, người dân hái lá chè từ tinh sương theo tiêu chuẩn “một tôm hai lá” (một búp 2 lá). Chè hái xong, được đem chế biến trong ngày (sao suốt). Không những vậy, do đặc thù địa chất, khí hậu, chè làng Bát có hương vị đặc trưng, nịnh hương, uống xong rồi dư âm của thứ hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi.
Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Trước khi triển khai mô hình sản xuất chè sạch, các hộ dân được hướng dẫn tỉ mỉ từ cách vun trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến đảm bảo đúng tiêu chuẩn GAP; sản phẩm đảm bảo an toàn từ khi thu hái, chế biến đến khi sử dụng.
Cũng theo ông Tùng, chè làng Bát được thương lái đặt mua đến từng hộ sau đó xuất bán ở các tỉnh phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh... Hiện nay, chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh quảng bá để chè làng Bát trở thành nông sản chủ lực của địa phương.
Ngoài chè sạch làng Bát, chè sạch Sinh Long, huyện Na Hang (Tuyên Quang) cũng khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Dũng cho biết: Phát huy tiềm năng của vùng chè Tuyết Shan cổ thụ tại xã Sinh Long, năm 2009, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè sạch Sinh Long. Hiện trung bình mỗi ngày công ty thu mua khoảng 300 tấn chè nguyên liệu; sau khi chế biến giá bán chè thành sản phẩm 250.000 đồng/kg. Mặc dù giá chè thành phẩm cao hơn nhiều so với chè thường, nhưng tất cả sản phẩm làm ra đều được khách hàng đặt mua hết. Có thương nhân Đài Loan sang đặt mua với số lượng lớn nhưng công ty không thể đáp ứng được do vùng nguyên liệu chỉ có giới hạn (hiện chỉ có khoảng vài trăm ha).
Rau quả giúp thoát nghèo
Cũng do mạnh dạn chuyển một số diện tích cấy lúa năng suất thấp sang trồng rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn GAP, mà các hộ dân phường Hưng Thành (thành phố Tuyên Quang), đã thu về 10 triệu đồng/sào/năm, cao 2-3 lần so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng cơ sở sản xuất RAT Phú Trúc (phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang) cho biết: Hiện cơ sở có 12 thành viên (hộ), khi mới triển khai diện tích trồng RAT chỉ có 0,7 ha nhưng đến nay đã phát triển lên 2,7 ha.
Bà Đỗ Thị Xuân –một hộ trồng RAT cho biết: Ban đầu, gia đình tôi chỉ dám chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, nhưng sau vài vụ thu hoạch thấy có hiệu quả, tôi đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích (gần 3 sào) sang trồng súp lơ, cà chua, thu về trên 10 triệu đồng/sào/năm.
Được biết, RAT ở Phú Trúc được trồng luân canh, gối vụ, với các loại cây chủ yếu là mướp, cải ngọt, súp lơ, su hào, bắp cải, cà chua và các loại rau gia vị. Đồng thời, để ổn định đầu ra, cơ sở trồng RAT Phú Trúc đã thuê một ki ốt cố định tại chợ Tam Cờ (thành phố Tuyên Quang) để bán rau. Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn một năm nhưng ki ốt này đã trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ sở đã ký hợp đồng với Trường Tiểu học Bình Thuận, cung cấp RAT cho bữa trưa của hơn 500 học sinh bán trú từ năm học 2009-2010 đến nay.
Tỉnh Tuyên Quang còn triển khai thực hiện mô hình trồng cam sạch tại 9 xã trong huyện Hàm Yên gồm: Yên Thuận, Yên Phú, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Yên Lâm, Tân Thành, Phù Lưu và thị trấn Tân Yên, với diện tích trên 2.000 ha bước đầu cũng thu lại kết quả rất đáng khích lệ. Chỉ tính riêng vụ cam năm 2010, toàn huyện thu được hơn 20 nghìn tấn quả, doanh thu 140 - 150 tỷ đồng. Điều đáng mừng, từ khi thực hiện mô hình trồng cam sạch, cam rất dễ tiêu thụ và được giá, nhờ vậy, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có cuộc sống ổn định, khá giả hơn trước.
Ông Nguyễn Thọ Lai, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để giúp các hộ nông dân phát triển nông sản sạch theo hướng bền vững, hiện tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch vùng sản xuất nông sản sạch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Theo đó, ngoài những mô hình đã triển khai (như chè, rau, cam), tỉnh còn chú trọng xây dựng các mô hình nông sản sạch như: Khoai tây tại huyện Yên Sơn, Na Hang; đậu tương tại huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và quản lý việc trồng, chăm sóc, chế biến theo đúng tiêu chuẩn GAP (là những nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virút, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc BVTV…), đồng thời sản phẩm phải đảm bảo an toàn từ ngoài đồng đến khi sử dụng).
Bài và ảnh: Vũ Quang Đán