Mô hình Câu lạc bộ (CLB) Xanh không những nâng cao kiến thức lâm nghiệp cho học sinh mà còn giúp các em có những trải nghiệm thực tế và hình thành thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn với việc bảo vệ, phát triển rừng.
Mang chuyện chống phá rừng vào giảng ở trường
Cứ mỗi tháng 2 buổi, 40 em học sinh được chọn từ 4 khối lớp của trường THCS Đăk Pét, huyện Đăk Glei (Kon Tum) háo hức đến với buổi ngoại khóa về rừng của CLB Xanh, do hai thầy giáo điều hành. Các em được cung cấp những kiến thức chung về động vật hoang dã, về tài nguyên rừng, cách thức bảo vệ, phát triển rừng. Các em cũng được giới thiệu về thực trạng khai thác, buôn bán lâm sản trái phép hiện nay, hậu quả của những hoạt động đó đối với đa dạng sinh học.
Hình thức buổi ngoại khóa kết hợp giữa trao đổi, cung cấp thông tin giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau, thảo luận, giải đáp tình huống, đố vui, thi tìm hiểu về Luật Bảo vệ và phát triển rừng… Từ đó, các em được gợi mở, định hướng những việc cần làm để tham gia bảo vệ tài nguyên rừng.
Những buổi sinh hoạt như thế của CLB Xanh trong học đường không chỉ diễn ra ở trường Đăk Pét mà còn có ở 7 trường THCS khác ở tỉnh Kon Tum là: Đăk Tô, Đăk Hà, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Rẫy và Kon Plông. CLB là một mô hình truyền thông, giáo dục mới mẻ về bảo vệ và phát triển rừng cho học sinh ở địa phương, được thành lập từ năm 2009, do Chi cục Kiểm lâm Kon Tum phối hợp với 8 trường THCS của 8/9 huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện.
Với hình thức sinh hoạt được thiết kế như một buổi học ngoại khóa, theo thầy Nguyễn Văn Tý, Hiệu trưởng trường THCS Đăk Pét, đây là cách làm dễ thực hiện trong các trường học. CLB chọn đại diện học sinh từ khối lớp 6- lớp 9 tham gia. Mỗi khối chọn 10 em. Sau khi tham gia sinh hoạt CLB, những học sinh này có trách nhiệm về truyền đạt lại kiến thức tới các bạn cùng lớp, qua các hoạt động của Đoàn, Đội.
Truyền thông điệp bảo vệ rừng
Theo anh Lê Văn Châu, cán bộ Ban Tuyên giáo tỉnh Kon Tum, hoạt động trong CLB nhằm bồi đắp tâm hồn, nâng cao ý thức trách nhiệm của các em học sinh đối với công tác bảo vệ rừng. Chính vì thế, sau 2 năm triển khai thí điểm, ý thức và hành động bảo vệ rừng của các em học sinh đã thay đổi rõ rệt. Các em học sinh tự giác đi đầu và vận động người thân trong gia đình, họ hàng, cộng đồng tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương. Các em chính là cầu nối để gia đình, người thân và cộng đồng cùng nâng cao ý thức và hành vi chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, vài năm gần đây, tình trạng người dân xâm hại rừng trái phép giảm hẳn; không còn tình trạng cháy rừng do người dân đốt rừng làm nương rẫy; đặc biệt là không xảy ra trường hợp nào học sinh tham gia cùng với người thân vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Theo Ban Tuyên giáo tỉnh Kon Tum, những nội dung sinh hoạt của CLB chủ yếu do Chi cục Kiểm lâm của tỉnh cung cấp, kết hợp với một phần tư liệu do các cán bộ giáo viên của trường học sưu tầm. Kinh phí hoạt động cho các CLB, tiền công trả cho các giáo viên phụ trách điều hành đều do Chi cục Kiểm lâm Kon Tum chi trả. Mỗi tháng, Chi cục hỗ trợ 480.000 đồng/2 buổi cho 2 giáo viên phụ trách.
Hiện nay, mô hình CLB Xanh đang được làm thí điểm. Theo anh Lê Văn Châu, cần tổng kết, rút kinh nghiệm về mô hình này giữa ngành giáo dục và cơ quan kiểm lâm. Cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương và các chủ rừng trên địa bàn hỗ trợ kinh phí, tư liệu… và nhân rộng mô hình này từ trường tiểu học đến trung học phổ thông để tác động sâu, rộng hơn tới nhận thức, hành động của người dân địa phương.