Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của nước ta mới chỉ đạt khoảng 26,2%. Tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những thách thức lớn Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng.
Tạo chuyển biến về nhận thức
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để cung ứng nguồn lao động và đào tạo lại, chuẩn hóa cho công nhân đang làm việc. Sự liên kết này tạo nên mối quan hệ vững chắc, đạt được mục tiêu của các bên. Đó là, nhà trường thực hiện đúng cam kết giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp; doanh nghiệp có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; người học có việc làm phù hợp, nâng cao kỹ năng lao động ngay từ khi học trong nhà trường. Thêm vào đó, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế, như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn (VKFTA), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA)..., đã mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài, cọ xát với môi trường làm việc của quốc tế. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các trường, cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã ký kết với nhiều tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, cơ quan của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... về việc đào tạo và cung ứng lao động qua đào tạo.
Năm học 2023 - 2024, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh tuyển sinh gần 1.000 học sinh, sinh viên, trong đó chỉ tiêu hệ cao đẳng 220 sinh viên, hệ trung cấp 750 học sinh. Thầy giáo Nguyễn Đình Đại, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm gần đây, công tác tuyển sinh của trường thuận lợi hơn, bởi lẽ nhận thức về việc học nghề của phụ huynh, học sinh đã có sự thay đổi. Nhà trường đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên, học sinh. Sinh viên cao đẳng các ngành cơ điện tử, điện công nghiệp được học tiếng Đức, sau khi tốt nghiệp kỹ sư thực hành và đạt trình độ tiếng Đức B1 sẽ được giới thiệu làm việc tại Đức; cam kết sau khi tốt nghiệp làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ít nhất 2 năm…
Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng trường trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực định hướng hội nhập quốc tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín, chất lượng cao cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh hướng tới mô hình giáo dục toàn diện, học sinh, sinh viên đạt chuẩn công dân số, kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Thạc sỹ Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường luôn xác định yếu tố con người là quan trọng nhất, đặc biệt đội ngũ giáo viên có tính chất quyết định chất lượng đào tạo và sự thành công. Trường đang đào tạo 15 ngành, nghề trong đó cắt gọt kim loại là nghề trọng điểm quốc tế; các nghề điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô là nghề trọng điểm ASEAN; hai nghề trọng điểm quốc gia là: Điện công nghiệp, tự động hóa. Việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, kể cả đào tạo song hành được nhà trường coi trọng...
Nhờ giải pháp đồng bộ, phù hợp, năm 2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch 8,3%, góp phần tăng tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sáu tháng đầu năm 2023, tuyển sinh được hơn 1 triệu người (đạt 46% kế hoạch) trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được 220.000 người (đạt 41,5% kế hoạch); trình độ sơ cấp, các chương trình đào tạo nghề khác là 835.000 người (đạt 47,3% kế hoạch).
Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận định: Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục diễn ra trên quy mô toàn cầu, tạo cơ hội thuận lợi để giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với các xu thế, tri thức mới, chuẩn quốc tế, mô hình giáo dục, quản lý giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý giáo dục nghề nghiệp. Ở trong nước, đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng trong sản xuất kinh doanh dịch vụ...
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của nước ta đạt khoảng 26,2%, phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp. Yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mặt khác cần đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động do ảnh hưởng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.
Hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng
Hiện, cả nước có 1.892 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 401 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp, 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập là 3 cơ sở, chiếm 36,1% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách, đề án cụ thể về đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động, cũng như hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, về cơ cấu mạng lưới, đến năm 2025, phấn đấu có 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2030, có 1.700 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Yêu cầu đặt ra là đến năm 2030, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tầm nhìn đến năm 2045, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Ngày 4/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu những nội dung quan trọng nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo đó, các mục tiêu trọng yếu được đề ra là: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, trong đó có cơ sở thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng, một số cơ sở tiệm cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; có khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 15-20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong ASEAN và thế giới. Đến năm 2045 đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới...
Để đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng lao động trong giai đoạn tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai một số chủ trương, chính sách nhằm nâng tầm kỹ năng lao động cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng, nhằm đáp ứng việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì một tương lai chuyển đổi, giúp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tình hình mới. Một số chủ trương, chính sách đã, đang thực hiện giúp nâng tầm kỹ năng cho người lao động nói chung, cho nhà giáo, người dạy nghề, thanh niên nói riêng vì một tương lai chuyển đổi.
Theo đó, Bộ cần tăng cường thực hiện đồng bộ, hiệu quả 5 trụ cột hệ sinh thái kỹ năng nghề. Đó là chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề của người lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tuyển dụng, sử dụng lao động có kỹ năng nghề, nguồn lực kỹ thuật, tài chính giúp phát triển căn bản, toàn diện kỹ năng nghề cho người lao động, thanh niên; tăng cường chuẩn hóa kỹ năng nghề thông qua hoạt động ban hành, công bố Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề, theo đó ban hành, công bố các nhóm năng lực cơ bản giúp người lao động, thanh niên được trang bị các kỹ năng cơ bản, nền tảng, nhất là các kỹ năng xanh, kỹ năng số vì một tương lai chuyển đổi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các nhóm năng lực cơ bản bao gồm: Ứng xử nghề nghiệp, thích nghi nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn lao động, rèn luyện thân thể, đạo đức nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; nâng cao năng lực dự báo, thống kê về lao động có kỹ năng, nhất là những kỹ năng trong tương lai, những ngành, nghề mới. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật. Đồng thời các cơ sở đề xuất giải pháp đồng bộ về giải pháp phát triển kỹ năng nghề cho lực lượng lao động với định hướng kết nối xuyên suốt từ giáo dục phổ thông, giáo dục sau phổ thông, trước và trong quá trình tham gia thị trường lao động gắn với nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, chú trọng kỹ năng số, kỹ năng xanh trong lực lượng lao động; xây dựng bộ chỉ số về phát triển kỹ năng nghề cho lực lượng lao động...
Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2023, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ ưu tiên trình kế hoạch triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và kế hoạch của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị chức năng tiếp tục xây dựng, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo theo các cấp độ và trình độ đào tạo; quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với trình độ sơ cấp trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và các đề thi kỹ năng nghề ASEAN, thế giới. Đồng thời, các đơn vị xây dựng mới chuẩn đầu ra trình độ cao đẳng, trung cấp, các ngành, nghề đặc thù, một số nghề phổ biến trình độ sơ cấp theo kế hoạch được phê duyệt. Các cơ sở tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp...