Hỗ trợ đắc lực cho các nhóm trẻ tại các khu công nghiệp của Hải Phòng

Hải Phòng là địa phương duy nhất của cả nước tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” (gọi tắt là đề án 404) của Chính phủ.

 Việc triển khai đề án này đã tạo nguồn lực để các nhóm trẻ độc lập tư thục tại Hải Phòng tiếp tục phát triển, tạo cơ hội để con em người lao động trên địa bàn được học tập trong môi trường an toàn, đầy đủ.

Chú thích ảnh
Đề án 404 hỗ trợ đắc lực cho các nhóm trẻ độc lập tư thục đồ dùng học tập.

Tăng nguồn lực chăm lo cho trẻ em

Bà Vũ Thị Bình, chủ nhóm trẻ độc lập  tư thục tại xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo cho biết, việc thành lập nhóm trẻ độc lập tư thục ở các xã xa xôi rất khó khăn do điều kiện kinh tế của các bậc phụ huynh còn eo hẹp. Cùng với đó, trẻ luôn đi sớm, về muộn để đảm bảo thời gian đi làm cho các bậc phụ huynh. Nguồn thu ít, thời gian làm việc nhiều là những áp lực khiến nhiều giáo viên ở các nhóm trẻ độc lập tư thục tìm việc mới. Những áp lực này khiến nhiều cơ sở phải dừng hoạt động.

Do đó, Đề án 404 rất có ý nghĩa đối với những nhóm trẻ như nhóm trẻ của bà Vũ Thị Bình. Theo bà Bình, Đề án đã hỗ trợ các cơ sở kinh phí để mua thêm đồ dùng học tập, đồ chơi cho các cháu, hạn chế việc huy động nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, Đề án còn hỗ trợ các buổi tuyên truyền tới phụ huynh học sinh, đào tạo cho giáo viên. Việc làm này góp phần hạn chế khoảng cách giữa trường tư thục và trường công lập, tạo niềm tin cho phụ huynh khi họ gửi con vào các cơ sở tư thục.

Ý kiến của bà Vũ Thị Bình cũng là ý kiến chung của đại diện các nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn Hải Phòng.

Tại diễn đàn giao lưu chủ các nhóm trẻ thuộc đề án “Hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất sau năm 2020” gắn với “Đề án phát triển giáo dục mầm non”, gọi tắt là đề án 1677, giai đoạn 2020-2025, do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hải Phòng tổ chức gần đây, đại diện các nhóm trẻ độc lập tư thục đều thống nhất, Đề án này đã hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần cho chủ cơ sở, giáo viên, phụ huynh học sinh và các em đang học tập tại các cơ sở này.

Hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa

Đề án “Hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi đang có con gửi tại các nhóm trẻ độc lập tư thục. Hải Phòng là một trong mười tỉnh, thành phố trên cả nước được chọn làm điểm.

Xác định trách nhiệm, vai trò của tổ chức hội trong việc triển khai thực hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hải Phòng đã nỗ lực, tiên phong trong mọi hoạt động để đề án được triển khai tại thành phố. Năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo đề án của thành phố Hải Phòng.

Qua 5 năm triển khai, Đề án 404 tại Hải Phòng đã trao gói hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi thiết bị dạy học cho các nhóm lớp mầm non tư thục có con nữ công nhân lao động theo học trị giá 3 tỷ đồng. Đề án còn phối hợp với các nhóm trẻ độc lập tư thục vận động nguồn xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, trang bị thiết bị dạy học trị giá 25 tỷ đồng. Ngoài ra, Đề án còn có các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng giảng dạy cho các cơ sở này. Những hỗ trợ của Đề án là đòn bẩy, chất xúc tác để 70 các nhóm lớp được hưởng thụ đề án phát huy hơn nữa nội lực của mình.

Bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng khẳng định, những kết quả của đề án đã góp phần giảm sự quá tải cho một số trường mầm non công lập tại Hải Phòng, đặc biệt các quận, huyện có nhiều khu công nghiệp, tạo việc làm cho một số giáo viên mầm non được đào tạo nhưng chưa có việc làm, dần khép lại khoảng cách giữa mầm non tư thục và mầm non công lập.

Theo bà Vũ Thị Kim Liên, để tiếp tục triển khai đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch hoạt động Đề án giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 14/15 quận, huyện có khu công nghiệp, cụm công nghiệp (trừ Bạch Long Vỹ là huyện đảo xa đất liền).

Đề án sẽ hỗ trợ 100 nhóm trẻ kiện toàn, thành lập mới được cấp phép, đạt chuẩn theo mục tiêu của đề án 1677 về phát triển giáo dục mầm non. Hoạt động của đề án tập trung vào một số nội dung như tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động giáo dục mầm non tư thục, hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đề xuất các chính sách liên quan đến giáo dục mầm non ngoài công lập, liên quan đến nữ công nhân lao động có con dưới 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 cùng một số nội dung khác.

Theo bà Hoàng Thị Xuân Phương, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương (nơi tập trung khoảng 60% các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng), để Đề án tiếp tục triển khai hiệu quả, ngoài việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ sở, việc đào tạo đội ngũ giáo viên tâm huyết, gắn bó với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục là nội dung cần tập trung trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Nhóm trẻ độc lập tư thục Thân Thiện, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, là một trong những đơn vị được hưởng lợi từ đề án 404.

Bà Hoàng Thị Xuân Phương cho biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện An Dương, nhiều nhóm trẻ mầm non tư thục phải đóng cửa vì thiếu học sinh và thiếu giáo viên. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều phụ huynh gửi con về quê để ông, bà chăm sóc. Giáo viên mầm non tư thục tìm cơ hội việc làm ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các trường công lập để đảm bảo cuộc sống.

Theo thống kê sơ bộ của các ban, ngành liên quan, hiện thành phố Hải Phòng có 12 khu công nghiệp đang hoạt động, với khoảng 82.000 lao động nữ đang làm việc tại khu vực này. Tỷ lệ nữ công nhân có con dưới 36 tháng tuổi chiếm 72,6%. Số trẻ em con công nhân lao động là 12.134 trẻ. Số lao động nữ gửi con trong các nhóm trẻ khu công nghiệp chiếm 0,5%. Số nữ công nhân gửi con trong các nhóm trẻ tại địa bàn dân cư là 70%. Trong đó, số nhóm trẻ độc lập tư thục dưới 36 tháng tuổi có đông con công nhân chưa được cấp phép trên địa bàn thành phố chiếm 46,5%.

Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục phát triển các khu công nghiệp, dự kiến số lao động làm việc tại các khu công nghiệp của Hải Phòng sẽ tăng từ hơn 170.000 lao động giai đoạn hiện nay lên khoảng 250.000 lao động vào năm 2025. Do đó, tỷ lệ lao động nữ nhập cư sẽ gia tăng và nhu cầu gửi con em ở các nhóm trẻ sẽ tiếp tục tăng.

Bài và ảnh: Minh Thu (TTXVN)
Những nhóm trẻ em nào được nhận trợ cấp xã hội tăng từ 1/7?
Những nhóm trẻ em nào được nhận trợ cấp xã hội tăng từ 1/7?

Bạn đọc hỏi: Những nhóm trẻ em nào được nhận trợ cấp xã hội tăng từ 1/7/2021 và mức hưởng cụ thể sẽ như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN