Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống người cao tuổi, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi tại các địa phương.
Năm 2019, cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 12% dân số), trong đó, có trên 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên; khoảng 7,3 triệu người sống ở khu vực nông thôn. Trong năm 2019, Chính phủ đã bố trí hơn 17.500 tỷ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, trong đó, có hơn 1,7 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nâng tổng số người có thẻ BHYT lên hơn 11,313 triệu người, chiếm 99% tổng số người cao tuổi; hơn 1,4 triệu người nhận trợ cấp người có công với cách mạng; trên 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH.
Tại nhiều địa phương đã tổ chức, phối hợp khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi. Đồng thời, bố trí kinh phí tổ chức mừng thọ, chúc thọ và tặng quà các cụ 90 tuổi, 100 tuổi và trên 100 tuổi dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, đời sống người cao tuổi còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước; mức trợ cấp xã hội thấp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi hạn chế, công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Người cao tuổi cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tích cực tham gia chỉ đạo, thực hiện, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc thành lập, sử dụng quỹ, huy động các nguồn lực xã hội trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng chương trình vận động thiết thực nhất, góp phần chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.