Lực lượng tham gia các Tổ hỗ trợ phòng, chống COVID-19 là cán bộ Công đoàn và người lao động tình nguyện, mỗi tổ có từ 10 - 15 thành viên. Trong 4 tổ nêu trên, 3 tổ được đặt tại thành phố Biên Hòa gồm: khu vực Hóa An - Tân Hạnh và các phường lân cận; khu vực Trảng Dài - Tân Phong và các phường lân cận; khu vực Long Bình - Long Bình Tân và các phường lân cận. Tổ còn lại đặt tại khu vực Bắc Sơn - Hố Nai 3 và các xã lân cận thuộc huyện Trảng Bom.
Các Tổ hỗ trợ phòng, chống COVID-19 có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản hàng hóa thiết yếu do Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cung cấp, đồng thời tiếp nhận sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; khảo sát, thống kê và trực tiếp hỗ trợ các loại thực phẩm cho công nhân ở các khu nhà trọ bị phong tỏa, cách ly; tuyên truyền, vận động công nhân chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Tăng Quốc Lập cho biết, địa bàn Đồng Nai có 1,2 triệu lao động đang làm việc, trong đó có hàng trăm nghìn công nhân đang ở các khu nhà trọ. Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều xã, phường ở huyện Trảng Bom và thành phố Biên Hòa, nơi tập trung đông công nhân nhất của Đồng Nai phải phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống dịch, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Các tổ hỗ trợ sẽ khảo sát, nắm chính xác số lượng công nhân đang ở trọ trong khu vực phong tỏa, cách ly để hỗ trợ các loại hàng hóa, đặc biệt là gạo, mì gói, thịt, rau củ quả... Từ đó, giúp công nhân không thiếu đói, yên tâm ở lại, không rời khỏi nơi tạm trú để về quê, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.
Theo ông Tăng Quốc Lập, các Tổ hỗ trợ phòng, chống COVID-19 mới đi vào hoạt động vào ngày 1 và 2/7 nhưng hiện đã có hơn 7.000 công nhân ở trọ đăng ký, xin hỗ trợ các loại thực phẩm.
Để chăm lo đời sống của người lao động, từ giữa tháng 7/2021, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã triển khai chương trình “Nghĩa tình Công đoàn”, đến nay, chương trình đã hỗ trợ hơn 50 tấn rau củ quả, gạo, thịt, mì gói, rau củ quả cho hơn 6.000 công nhân ở các nhà trọ trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế.
* Ngày 2/8, UBND tỉnh Tiền Giang đã chuyển số nông sản trị giá gần 1 tỷ đồng, gồm: gạo thóc, thanh long, rau củ và một số nông sản thiết yếu khác trao tặng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm giúp giảm bớt khó khăn, nâng cao quyết tâm và hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, số hàng hóa trên được vận chuyển bằng tàu cao tốc đưa đến hai đầu mối là UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Đồng hương tỉnh Tiền Giang. Từ hai đầu mối trên, các cơ quan sẽ phân phối đến những địa chỉ cụ thể.
Số nông sản trên được UBND tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang thu mua từ các doanh nghiệp, hợp tác xã… trên địa bàn.
Cùng với nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, công tác vận động, quyên góp, hỗ trợ bà con trong tỉnh giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống cũng được UBND tỉnh Tiền Giang quan tâm và đã nhận được sự hưởng ứng, đóng góp tích cực của các nhà hảo tâm, doanh nhân; trong đó, nổi bật có Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại - dịch vụ HK (thành phố Mỹ Tho). Vừa qua, doanh nghiệp HK đã ủng hộ, trao tặng số quà gồm gạo thóc, nhu yếu phẩm trị giá trên 100 triệu đồng tặng nhân dân trong các khu phong tỏa, cách ly tại Tiền Giang.
* Ngày 2/8, thông tin từ Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang triển khai hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do dịch COVID-19 ở các cơ sở lưu trú từ 20 phòng trở lên, đơn vị lữ hành, khu điểm du lịch thuộc quản lý của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng gồm: Khu Du lịch Bà Nà Hills, Điểm du lịch Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Theo đó, các đối tượng trên là người lao động đang cư trú hợp pháp tại địa phương, sẽ được nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần và được chi trả 1 lần. Người lao động có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ có xác nhận của doanh nghiệp nơi làm việc và địa phương cư trú về Sở Du lịch Đà Nẵng tại địa chỉ: Tầng 16 Trung tâm Hành chính thành phố, 24 Trần Phú, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 31/8/2021.
Sở Du lịch sẽ thông báo bằng tin nhắn qua điện thoại của người lao động khi nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, Sở sẽ thông báo đề nghị bổ sung.
Ngoài ra, người lao động tự do làm việc ở các khu điểm du lịch (ngoại trừ Khu Du lịch Bà Nà Hills và Điểm du lịch Nhà trưng bày Hoàng Sa), cơ sở lưu trú (quy mô dưới 20 phòng), các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm thì liên hệ UBND phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể về việc được hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng.