Những sản phẩm lưu niệm độc đáo của nghệ nhân Thu Thủy được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, tìm mua làm quà trong mỗi lần đến thành phố ngàn thông.
Chúng tôi ghé thăm nhà riêng cũng là cơ sở sản xuất nhỏ vào một ngày Đà Lạt mưa dầm. Nghệ nhân Thu Thủy đang tách những quả thông đã khô thành những “cánh hoa” nhỏ để chuẩn bị chế tác thành các tác phẩm nghệ thuật. Bà Thủy không nhận mình là nghệ nhân mà khiêm tốn nói: “Tôi chỉ là người đam mê yêu thích nghệ thuật thủ công thôi”.
Nữ nghệ nhân Phan Thị Thu Thủy. |
Vừa cho chúng tôi xem những sản phẩm mới hoàn thành, bà Thủy vừa tâm sự về duyên cơ đến với nghệ thuật thủ công. Bà sinh ra và lớn lên ở miền Trung, sau khi lập gia đình thì chuyển đến Đà Lạt sinh sống. Bà từng học văn khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, lại có năng khiếu bẩm sinh về hội họa và tạo hình, nên đây là thuận lợi lớn để có thể sáng tạo ra những tác phẩm lấy từ cảm hứng thiên nhiên.
Bà Thủy chia sẻ: “Hàng thủ công mỹ nghệ Đà Lạt hiện rất hiếm, chưa có cơ sở nào làm nên “thương hiệu”, đây thật sự là quá lãng phí những “tài nguyên” của Đà Lạt. Trong một lần ngồi ngắm đồi thông sau nhà, tôi nhìn thấy rất nhiều quả thông rơi. Những quả thông khô có mùi thơm và rất đẹp. Sau nhiều lần thu lượm, tôi liền nảy sinh ý tưởng dùng nó tạo hình để sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật”.
Thế là từ đó, bà Thủy đã tìm nhặt những quả thông khô sau mỗi mùa cây trổ quả để làm thành các sản phẩm lưu niệm độc đáo. Tác phẩm đầu tiên mà bà chế tác đó là bình hoa hồng từ chất liệu quả thông khô được nhặt dưới rừng thông Đà Lạt, kết hợp với nghệ thuật đất sét. Chỉ vài ngày sau khi ra đời, sản phẩm được du khách yêu thích và tiếp tục đặt hàng. Điều này như là nguồn động lực, vun đắp thêm tình yêu nghệ thuật từ quả thông của bà Thủy thêm bền vững.
Từ đó đến nay, bà Thủy liên tiếp sáng tạo ra các mặt hàng mỹ nghệ từ quả thông khô, đưa ra bày bán tại các khu du lịch của Đà Lạt. Đó là hình hoa trái Đà Lạt, hình những người dân tộc bản địa với chiếc gùi sau lưng, hình các loài chim hoang dã, chim hạc trong đời sống tâm linh; hình phong cảnh Đà Lạt… Những tác phẩm này đã cuốn hút khách mua và thưởng lãm. Nhiều tác phẩm của bà đã đạt giải thưởng sáng tạo về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cấp thành phố và cấp tỉnh Lâm Đồng. Năm 2004, bà gửi 2 tác phẩm mỹ nghệ từ quả thông khô đi dự thi chủ đề “Sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch” toàn tỉnh Lâm Đồng; kết quả cả 2 tác phẩm đều đoạt giải: Tác phẩm “Bình hoa hồng” đoạt giải nhất và tác phẩm “Chim hạc” đoạt giải nhì.
Thành công nhất là trong dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2013, bà được mời tham gia triển lãm 10 tác phẩm mỹ nghệ quả thông khô Đà Lạt tại Hà Nội với chủ đề “Phụ nữ sáng tạo Việt Nam” và đạt kết quả cao.
Bà Thủy tâm sự: “Làm ra những sản phẩm này không khó, nhưng lại đòi hỏi niềm đam mê, tỉ mỉ và có chút năng khiếu về nghệ thuật tạo hình. Sau khi nhận hai giải trên, tôi tiếp tục sáng tạo và làm ra các tác phẩm mới như: “Vũ công của chim phượng”, “Những đóa hoa bất tử Đà Lạt”, “Sải cánh của chim đại bàng”… Tôi rất hạnh phúc khi những tác phẩm thủ công từ trái thông khô lại được nhiều người yêu thích. Hiện có rất nhiều người đến xin học nghề và tôi đã dạy nghề cho hàng chục người. Tôi mong muốn có một xưởng đào tạo cho nhiều người có cùng đam mê, nhất là những người khuyết tật để giúp họ có thêm thu nhập. Không chỉ vậy, còn phải xây dựng thương hiệu riêng cho Đà Lạt từ những tác phẩm mỹ nghệ từ quả thông; đồng thời phát đi thông điệp bảo vệ, tôn tạo môi trường, giữ gìn giá trị cả về vật chất và tinh thần đối với cây thông xanh ở xứ sở sương mù”.
Chị Hoàng Nhật Lệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Lạt cho biết: “Nói đến Đà Lạt người ta nghĩ ngay đến những cây thông, quả thông và nghệ thuật từ trái thông khô của chị Thủy là một trong những sản phẩm thủ công rất độc đáo, đặc trưng của nơi đây, được rất nhiều người yêu thích. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các hội viên, nhất là những người khuyết tật được tiếp cận với nghề thủ công này”.
Hàng ngày bà Thủy cùng những người có chung niềm đam mê vẫn âm thầm gom nhặt các quả thông rơi, vỏ cây thông già để ghép thành những bức tranh, sản phẩm độc đáo cùng với một thông điệp “hãy biết quý trọng thiên nhiên, quý trọng từng cây thông của Đà Lạt” như bà Thủy chia sẻ.