Hồi 7 giờ sáng 31/10, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên lãnh thổ Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ). Đến 13 giờ ngày 31/10, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão số 5, ở An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, Quy Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Hoài Nhơn (Bình Định) gió giật cấp 9; Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió giật mạnh cấp 9, ở Quảng Ngãi gió giật cấp 7; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh và gió giật cấp 7-8.
Sau bão, tình hình mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị ở các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp.
Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 6 giờ-8 giờ ngày 31/10 phổ biến từ 50-132mm, một số nơi ở Bình Định như Hồ Diêm Tiêu 132mm, thị trấn Bình Dương 115mm, Hồ Vạn Hội 105mm; ở Quảng Nam như Trà Leng 83mm, Đại Đồng 73mm; ở Quảng Ngãi như Ba Lế 83mm, Sơn Tây 60mm; ở Thừa Thiên - Huế như Hồng Trung 52mm, Thượng Nhật 52mm…
Đến trưa 31/10, từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 70mm. Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang (Quảng Nam); Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Trà Bồng, Sơn Hà (Quảng Ngãi); An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, Phù Mỹ, Hoài Nhơn (Bình Định).