Sáng 7/8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục có cuộc họp bàn các biện pháp ứng phó với bão số 6. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp. Dự báo đường đi và vị trí cơn bão số 6. Ảnh: Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương |
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ tàu, thuyền; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền vào nơi trú tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước 18h ngày 7/8. Các địa phương căn cứ vào diễn biến của bão và tình hình cụ thể để chỉ đạo thực hiện việc cấm biển. Đồng thời chủ động kiểm tra đê điều, hộ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm; chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa và vùng hạ du.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Khoảng tối và đêm nay (7/8), vùng tâm bão số 6 sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa, khả năng các tỉnh Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4m.
Từ đêm 7/8, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa, mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến ở mức 200 – 300 mm. Đợt mưa này sẽ kéo dài hơn so với cơn bão số 5 vừa xong. Khu vực Tây Bắc Bộ sẽ là nơi kết thúc đợt mưa muộn nhất, vào khoảng đêm 8/8 hoặc ngày 9/8.
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 6 giờ ngày 7/8, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.205 phương tiện với 263.975 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó có 35 tàu với 336 người neo đậu ở khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc); 5 tàu với 58 người neo đậu ở khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa); 21.637 tàu với 88.362 người neo đậu tại các bến và hoạt động ven bờ từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế (từ vĩ tuyến 16,5 trở lên); 42.528 tàu với 175.219 người hoạt động ở các vùng biển khác (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, khu vực giữa biển Đông) và neo đậu tại bến.
Các hồ chứa từ Ninh Bình đến Thừa Thiên-Huế hoạt động bình thường và an toàn. Do đang là gần cuối mùa kiệt nên mực nước các hồ chứa ở mức thấp, dung tích hiện tại bình quân đạt 40-50% thiết kế. Trong tổng số 2.078 hồ chứa, có 72 hồ chứa không đảm bảo an toàn khi có mưa lũ do bị hư hỏng đập chính, tràn xả lũ hoặc cống lấy nước, như: Yên Quang, Yên Đồng, Đập Trời, Trổ Lưới (Ninh Bình); Đồng Bể, Kim Giao (Thanh Hóa); Khe Sặt, Thanh Thủy, Khe Xiêm, Khe Làng (Nghệ An); Cha Chạm, Thùng Trứa, Khe Vôi, Đập Làng, Đập Trạng, Đập Họ, Đập Mưng, Nước Xanh, Khe Chẹt, Bãi Trạng, Bượm, Đá Bạc, An Hùng (Hà Tĩnh); Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế). Ngoài ra còn có 3 hồ chứa tràn xả lũ cửa van giữ mực nước cao hơn quy định (nhưng còn thấp hơn thiết kế), gồm sông Sào, Kim Sơn và Truồi.
Thanh Tuấn