Ngày 15/10, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), cho biết, qua gần 10 năm thực hiện Luật phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cộng đồng người dân, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và công tác tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân trở về nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tiếp nhận và xác định, xác minh, việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân hiện nay đang đứng trước những khó khăn. Bên cạnh đó, những chính sách về tiếp nhận, xác định, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân hiện nay tồn tại nhiều bất cập không còn phù hợp với yêu cầu và thách thức đặt ra. Cụ thể, vấn đề xác minh, xác định nạn nhân, căn cứ, chế độ hỗ trợ, hệ thống hỗ trợ nạn nhân còn nhiều vướng mắc, cơ chế chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân còn nhiều hạn chế dẫn tới hiệu quả của công tác hỗ trợ cho các nạn nhân chưa cao…”, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết.
Theo đại diện Bộ Công an, từ năm 2016 đến năm 2019, Việt Nam ghi nhận 1.162 vụ mua bán người với 1.546 nghi phạm và 2.814 nạn nhân. So với các thời kỳ trước đây, số vụ nghi phạm và nạn nhân đều giảm nhưng diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và manh động hơn trước.
Việc hồi hương là một quá trình khó khăn đối với nạn nhân bị mua bán người do gặp phải các vấn đề về tâm lý, gia đình, sức khỏe, pháp lý và tài chính. Nhiều trường hợp nạn nhân được cứu hoặc tự trở về không còn tài sản cá nhân; kể cả giấy tờ tùy thân. “Nhiều nạn nhân do sự bị kỳ thị nên đã không hợp tác với các cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc xác định, xác minh và hỗ trợ dạy nghề và đào tạo. Hệ thống trợ giúp xã hội còn kém, một số nạn nhân bị mua bán trở về thuộc hộ nghèo được trợ cấp khó khăn ban đầu, trong khi nhiều nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận hỗ trợ do họ không thuộc hộ nghèo”, đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.
Để khắc phục hạn chế trên, Bộ LĐ-TBXH tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán để đề nghị Chính phủ và các đơn vị có liên quan sửa đổi bổ sung và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, trong đó, tập trung vào những vấn đề như thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, thực hiện hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về, thẩm quyền các cơ quan tham gia vào quá trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, trình tự thủ tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong việc triển khai, thực hiện.
Nghị định sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, hướng dẫn Luật phòng chống mua bán người, hỗ trợ toàn diện và hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bị mua bán, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân để nạn nhân bị mua bán được nhận sự hỗ trợ cần thiết và có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Về thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân, dự thảo Nghị định quy định: khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tham gia vào quá trình hỗ trợ nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ nạn nhân theo quy định của Chính phủ về trợ giúp xã hội và một số quy định hỗ trợ đặc thù; các chế độ khác như hỗ trợ về y tế, tâm lý cho nạn nhân tại cộng đồng; hỗ trợ chi phí cho người phiên dịch, người có trách nhiệm đưa nạn nhân là người nước ngoài ra bến tàu xe để hồi hương; chi phí cho cán bộ phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận lấy lời khai hoặc trong thời gian lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội; quy định nạn nhân được hỗ trợ khó khăn ban đầu; học văn hóa, học nghề; vay vốn từ Quy quốc gia giải quyết việc làm hoặc từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh cho nạn nhân.