Theo ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo lần này chưa đề cập đến vấn đề quản lý đối với hình thức chăn nuôi gia công cho các tổ chức trong và ngoài nước. Đây là hình thức hợp tác làm ăn giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chiếm số lượng khá lớn trong mảng chăn nuôi trang trại tại một số địa phương. Đây cũng là hình thức hợp tác phổ biến và phát huy tính ưu việt trong chăn nuôi nên cần có quy định cụ thể về vấn đề này. Dự thảo Luật cần quy định về việc xây dựng hàng rào kỹ thuật có liên quan đến ngành chăn nuôi. Đây được coi là công cụ hiệu quả để có thể bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Còn theo bà Phan Thị Xuân Diệu, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, khác với trồng trọt, chăn nuôi là hoạt động có ảnh hưởng nhiều tới môi trường do các chất thải mà vật nuôi thải ra môi trường. Vì vậy, yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của các đơn vị khi tham gia vào lĩnh vực này phải nghiêm ngặt hơn. Luật Chăn nuôi nên có một chương riêng quy định điều kiện cơ sở vật chất cụ thể của từng đối tượng như trang trại, hộ gia đình, cơ sở sản xuất giống, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi… Luật dành riêng một chương quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, gồm các quy định về xử lý chất thải rắn, nước thải, tiếng ồn, mùi hôi…
Ông Trần Quốc Tú, đại diện Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật cần cân nhắc, bổ sung thêm nội dung cấm nhập khẩu trái phép vật nuôi thải loại hoặc sản phẩm vật nuôi thải loại, bởi thực tế thời gian qua đã có một số sản phẩm vật nuôi thải loại nhập khẩu trái phép vào nước ta, đe dọa đến ngành chăn nuôi trong nước. Luật cân nhắc bổ sung thêm quy định về nghiêm cấm việc nhập khẩu, chăn nuôi, phát tán, phóng thích trái phép các giống vật nuôi bị cấm theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Quy định này để ngăn ngừa việc các cá nhân, tổ chức nhập khẩu, phát tán giống vật nuôi, loài vật có nguy cơ trở thành loài ngoại lai xâm hại vào trong nước; cân nhắc bổ sung nội dung yêu cầu khi nhập khẩu vật nuôi phải đảm bảo yêu cầu về an toàn môi trường, đa dạng sinh học cho tương thích với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học.