Năm 2013 được đánh giá là năm ngành tư pháp gặt hái được nhiều thành công, nhất là công tác xây dựng thể chế; xây dựng, góp ý hoàn thiện Hiến pháp sửa đổi. Nhân dịp đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, báo Tin Tức - TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (ảnh) xung quanh vấn đề này.
Năm 2013, ngành tư pháp đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Xin Bộ trưởng cho biết những nét khái quát về kết quả công tác của bộ, ngành tư pháp trong năm qua, đặc biệt là việc xây dựng, góp ý hoàn thiện Hiến pháp sửa đổi?
Trước hết, về công tác xây dựng thể chế, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế đã tham mưu cho Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều chuyển biến, tình trạng chậm ban hành nghị định của Chính phủ đã được khắc phục. Trong đó, phải nhấn mạnh việc chỉ trong 1 năm, Chính phủ đã ban hành được 50/53 nghị định Luật xử lý vi phạm hành chính, đạt 94,34%, giảm thiểu mâu thuẫn, chồng chéo, tạo điều kiện cho người dân dễ hiểu, dễ chấp hành pháp luật.
Cùng với đó, công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện bài bản, nền nếp. Thể chế về kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được hoàn thiện; công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được chú trọng bằng việc đã hoàn thành đơn giản hóa 85% số thủ tục hành chính cần phải đơn giản hóa được thông qua tại 25 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ. Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 896 về đơn giản hóa giấy tờ và thủ tục hành chính liên quan đến dân cư làm cơ sở cho việc đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ giao đã được ngành tư pháp hoàn thành xuất sắc là tập trung nguồn lực hoàn thành tốt nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ trong suốt quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng, góp ý hoàn thiện dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Bản Hiến pháp mới đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2013 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014.
Xin Bộ trưởng cho biết, ngành tư pháp sẽ làm gì để đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống một cách hiệu quả?
Như chúng ta đã biết, Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2013 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước. Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến với ba trụ cột chính là tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người; kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Để các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống, bảo đảm Hiến pháp là đạo luật cơ bản, bảo đảm tính hợp hiến trong quá trình thực thi và bảo vệ Hiến pháp, nhiệm vụ lớn và trọng tâm trong thời gian tới là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013 mà trước tiên là căn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp.
Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp với các nhóm công việc chính như: Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, quán triệt nội dung của Hiến pháp sửa đổi năm 2013; Tổng hợp, lập danh mục đề nghị của Chính phủ về các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013, để trên cơ sở đó xây dựng đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Bên cạnh đó, ngành sẽ theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng và trình các dự án luật, pháp lệnh do các bộ, cơ quan ngang bộ được phân công soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp sửa đổi trên cơ sở điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phân công đối với các bộ, cơ quan ngang bộ.
Bộ cũng sẽ theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng và trình các dự án luật, pháp lệnh do các bộ, cơ quan ngang bộ được phân công soạn thảo. Song song với đó, ngành còn tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng các thiết chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả Hiến pháp sửa đổi.
Trong thời gian tới và trước mắt là năm 2014, với chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu, giúp Chính phủ trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi, đồng thời phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp.
Thưa Bộ trưởng, ngành tư pháp còn tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào khác trong năm 2014?
Năm 2014 được xác định là năm tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, là năm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó có đổi mới, hoàn thiện thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng đã xác định đây là năm của hoàn thiện thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, bộ, ngành tư pháp xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm là phải tập trung tham mưu giúp Chính phủ thực hiện tốt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là những đạo luật mang tính “rường cột” như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình bảo đảm tiến độ, chất lượng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước; thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, góp phần tiếp tục thực hiện tốt một trong ba khâu đột phá chiến lược đã được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
Đồng thời, toàn ngành còn đẩy mạnh việc chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, tập trung nguồn lực để triển khai thi hành hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ; Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, và Luật Hòa giải ở cơ sở... Ngành cũng sẽ kết hợp chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm và bất cập trong văn bản và thực thi pháp luật, qua đó nâng cao năng lực phản ứng chính sách của hệ thống hành pháp, hành chính nhà nước.
Ngành tư pháp cũng tiếp tục nâng cao chất lượng của công tác thi hành án dân sự, phấn đấu đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác tư pháp; đảm bảo tiến độ, lộ trình nghiên cứu, soạn thảo sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự phù hợp, đồng bộ với yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới...
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Huyền Tím (thực hiện)